Tòa soạnThư đi – tin lại

Phản ánh

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều bức xúc từ quốc lộ 25

Bụi bay mù mịt từ những chiếc xe tải chở mía thuộc địa bàn xã Ea Chà Ràng (Sơn Hòa, Phú Yên). Ảnh: Đ.Huy

Quốc lộ 25 có vị trí chiến lược kinh tế rất quan trọng, nối quốc lộ 1A từ thành phố Tuy Hòa –  Phú Yên đến ngã 3 Chư Sê huyện Krông Pa –  Gia Lai. Nhưng nhiều năm nay, quốc lộ 25 bị xuống cấp rất nghiêm trọng, sửa chữa dở dang, kéo theo nhiều hệ lụy, trở thành nỗi ám ảnh của người dân cũng như người điều khiển các phương tiện giao thông mỗi khi đi qua tuyến đường này.
Chỉ biết kêu trời?!?
Cũng như hàng trăm hộ khác sống dọc theo quốc lộ 25, nhiều năm liền phải chịu đựng vất vả, vợ chồng anh Nguyễn Văn Quan – bán quán nước vỉa hè thuộc địa bàn xã Ea Chà Ràng (Sơn Hòa, Phú Yên) bức xúc: “Dù trời mưa hay nắng thì chúng tôi cũng lãnh đủ. Nắng thì xe chạy qua là bụi bay mù mịt, không nhìn thấy gì, ở trong quán phải bịt kín mặt, đồ đạc thì đóng bụi từng lớp, khách hàng ngại không ai chịu ghé uống nước nên buôn bán ế ẩm… Mùa mưa thì đường sình lầy, nước ngập các “ổ voi” nên càng khó khăn hơn”. Vợ anh Quan tiếp lời: “Các nhà dân cạnh quốc lộ luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Thương nhất là các em học sinh với áo trắng tinh khôi đến trường nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể hóa ra màu đất đỏ bazan nếu trên đường đi gặp phải xe lớn chạy qua”.
Đáng kể nhất là cao điểm của mùa thu hoạch nông sản, từng đoàn xe tải chở mía chở sắn, đá… chạy ngược xuôi về bán cho các công ty sản xuất, hầu hết các xe đều quá tải làm cho tuyến đường này đã xuống cấp nay lại càng xuống cấp nặng hơn.
Thường xuyên phải vận chuyển hàng hóa trên đường, ông Lê Đăng – chủ một doanh nghiệp vận tải ở thành phố Tuy Hòa than thở: “Do đường xuống cấp quá nên khi di chuyển qua đây, chúng tôi ì ạch mất rất nhiều thời gian, phương tiện thì bị hao mòn gây hư hỏng nặng, nhiều lúc phí vận tải cũng không bù được tiền bão dưỡng xe… Nhưng khổ nỗi, đây lại là đoạn đường ngắn nhất từ quốc lộ 14 (Buôn Ma Thuột) về Phú Yên nên đành phải chịu, chỉ còn biết kêu trời mà thôi…”.
Bà Phan Thị Hà Phước, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà cho biết: “Chính vì tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng nên thực tế, đã có không ít vụ va quẹt tai nạn xảy ra trên tuyến đường này, nhất là từ Km 30 đến Km 41 (từ Ngân Điền, xã Sơn Hà đến xã Suối Bạc), gây tâm lý hoang mang cho người dân”. Theo quan sát của chúng tôi, dọc quốc lộ 25 từ thành phố Tuy Hòa đến hết địa bàn huyện Sơn Hòa, nhiều đoạn chỉ còn lại bề ngang chừng 3,5 đến 4m, hai bên lùm xùm cây cối, bề mặt tráng nhựa thì bị nước mưa cùng vỏ xe lưu thông bào mỏng và thu hẹp dần, để lại những “lưới đá” lởm chởm như “lớp lông của con nhím khổng lồ”.
“Dự án tạm ngưng do vốn không được bố trí”
Ông Đào Ngọc Khánh – Trưởng phòng Cơ sở hạ tầng Sở GTVT Phú Yên cho biết: “Dự án nâng cấp lại quốc lộ 25 được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2010, do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 2.200 tỉ đồng, chia thành 10 gói thầu khác nhau thi công (với 70km được nâng cấp trong 181km tổng thể). Riêng địa bàn Phú Yên có 21,5km (2 gói thầu) nhưng sau thời gian ngắn tiến hành, thì chủ đầu tư không bố trí được vốn do thực hiện nghị định 11/2011 nhằm kiềm chế lạm phát. Thế là đơn vị thi công tạm ngưng vì không huy động được vốn”. Ông Khánh cũng cho biết thêm: “Những địa bàn quốc lộ 25 đi qua cũng tích cực sửa chữa, duy tu bằng cách tráng nhựa mỏng và san lấp chỗ hư hỏng nặng nhưng không hiệu quả theo thời gian vì lưu lượng phương tiện giao thông qua đây quá nhiều. Trước thực trạng đường xấu, chúng tôi cảnh báo người điều khiển các phương tiện đi qua đoạn đường này cần phải cẩn trọng, vì hiện vẫn phải chờ Chính phủ bố trí vốn”.
“Cứ tiếp tục mãi thế này, chúng tôi bao giờ mới hết khổ?”. Đây không phải là tiếng than riêng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Quan mà còn là tiếng kêu chung của hàng ngàn hộ dân sống ven quốc lộ 25.
DANH PHƯƠNG

Bình luận (0)