Tòa soạnThư đi – tin lại

Phản ánh: Nạn lừa, cướp giật vé số

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Hạnh đang bán vé số cho khách. Người phụ nữ đứng kế bên là vợ anh Hạnh, vì lo sợ chồng bị cướp giật hay bị lừa nên chị thường ra phụ chồng bán vé số

Không biết từ khi nào, những nơi cạnh khu công nghiệp Sóng Thần 2 (Dĩ An – Bình Dương) đã trở thành địa điểm buôn bán vé số của những người khuyết tật. Cũng chính vì thế, nơi đây là địa điểm để nhiều kẻ xấu thực hiện các hành vi cướp giật và lừa đảo lấy vé số.
“Chợ vé số” của những người kém may mắn
5 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại khu vực khu công nghiệp Sóng Thần 2 để chứng kiến công việc thường nhật của họ. Lúc này, lúc này trời còn tờ mờ, quang cảnh vắng vẻ, người qua lại chỉ lác đác. Khoảng 30 phút sau, nhiều người từ các ngả đường đổ về thì cũng là lúc những người bán vé số bắt đầu xuất hiện. Trước mặt chúng tôi là hình ảnh của hơn 20 người, trong đó có người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ và người già. Họ chia nhau vị trí khoảng 20-30m để đứng bán, thuận tiện cho người mua không phải tranh giành. Khoảng thời gian này cho đến 8 giờ, là thời điểm họ bán vé số chạy nhất. Sau khung giờ này, họ lại tản ra, chia nhau bán cho các khách quen và khách vãng lai.
Anh Nguyễn Hoàng Vũ (người địa phương) cho biết: “Tôi thường đi ngang khu vực này, thấy nhiều người kém may mắn bán vé số nên hay ghé lại mua ủng hộ cho họ”. Địa điểm mà họ tập trung buôn bán là ngõ tắt đi qua các khu vực trung tâm khác nên rất tiện lợi. Họ bôn ba từ nhiều miền quê khác nhau, mỗi người mỗi giọng nói, mỗi tính cách và mỗi số phận nhưng tựu trung đều có một cảnh ngộ giống nhau. Cuộc sống đã cướp đi của họ những thứ quan trọng nhất. Tuy vậy, họ vẫn cố lao động mưu sinh bằng chính sức lực của mình.
Những chiêu lừa, cướp giật táo tợn
Điển hình nhất là vụ việc của anh Cao Văn Hạnh (sinh năm 1979, quê Nghệ An). Anh là một trong những nạn nhân bị cướp giật, lừa lấy vé số một cách trắng trợn và liên tục nhất. Anh kể lại sự việc mà trên gương mặt lộ rõ vẻ sợ hãi. Do bị tật bẩm sinh khiến tay chân anh co quắp lại, lao động gặp nhiều khó khăn nên anh chỉ biết mưu sinh bằng nghề bán vé số. Theo anh kể, trong tháng 6-2013, anh liên tục bị mất vé số. Có một phụ nữ trạc 50 tuổi đến mua 2 tờ vé số nhưng khi trả tiền đi khỏi, anh Hạnh mới phát giác mình bị mất 30 tờ vé số. Sau đó, người phụ nữ này lại tiếp tục đến mua. Anh Hạnh nghi ngờ và theo dõi nên bắt quả tang. Trước đó, cũng có 2 gã thanh niên ăn mặc sang trọng ghé đến mua vé số của anh. Một gã ngồi lại trên xe, một gã bước xuống hỏi mua. Anh Hạnh cầm nguyên tập vé số đưa ngay cho gã lựa. Trong lúc mất cảnh giác, gã cầm luôn tập vé số phóng lên xe rồ ga bỏ chạy.
Hay trường hợp của chị Nguyễn Thu Hương (sinh năm 1983 tại Kiên Giang) lên Bình Dương làm nghề bán vé số để nuôi hai con nhỏ. Do không biết chữ, khó xin việc làm nên chị Hương lãnh vé số về bán. Một tay bồng con thơ, tay kia cầm vé số mời khách. Không ngờ có một đôi nam nữ thanh niên chạy ngang giật xấp vé số trên tay của chị rồi rồ ga bỏ chạy. Có những trường hợp, nhiều người mang vé số trúng đến đổi nhưng sau đó phát hiện là vé số giả. “Hành vi của bọn cướp giật hiện rất gian manh, chúng không chừa bất cứ thủ thuật gì để có thể đạt được mục đích. Dù có đề phòng cách mấy thì trước sau cũng bị lừa” – chị Hương buồn bã nói. Anh Lê Văn Tâm (sinh năm 1980, ngụ tại Thủ Đức – TP.HCM) bị tàn tật mất cả hai tay, cuộc sống của anh cũng chỉ nhờ vào nghề này. Anh Tâm bức xúc kể lại, anh cũng đã từng là nạn nhân của nạn cướp giật vé số. Lúc đó, anh Tâm hô hoán để được trợ giúp nhưng bọn chúng đã rồ ga chạy mất tăm.
Tiền lời từ việc bán vé số mang lại không nhiều mà tiền bồi thường cho đại lý vé số lên đến tiền triệu. Cũng vì lý do trên mà những người khuyết tật hay người già đứng bán vé số tại đây rất hoang mang. Chúng tôi thiết nghĩ, chính quyền cần phải có biện pháp ngăn chặn những kẻ thực hiện hành vi xấu xa này để những người khuyết tật, người nghèo khó yên tâm sống bằng chính sức lao động của mình.
Bài, ảnh: Sa Di

Bình luận (0)