Kết quả thực hiện chương trình phân ban THPT một lần nữa được xới lên tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện chương trình – sách giáo khoa THPT tại Hà Nội ngày 24-9. Yêu cầu điều chỉnh chương trình đã được đặt ra.
Giờ học môn tiếng Anh của học sinh lớp 12A02 (ban A) sáng 24-9-2009 tại Trường THPT Marie Curie, TP.HCM. Trong 23 lớp khối 12 chỉ có ba lớp ban A và một lớp ban C, còn lại là 19 lớp ban cơ bản – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Trong đó, một số đại biểu cho rằng nên điều chỉnh theo hướng chỉ còn một chương trình thống nhất. Hoặc ít nhất cũng cần có những điều chỉnh ở nhiều khâu của quá trình giáo dục để mang lại hiệu quả thật sự cho người học.
“Học gì thi nấy”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều nhà giáo, nhà quản lý tại các cơ sở giáo dục đã cho rằng không cần thiết có ban khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Cách hay nhất là chỉ có một ban (ban cơ bản) và đẩy mạnh việc dạy học tự chọn.
Ông Nguyễn Văn Hùng, hiệu trưởng Trường THPT Phủ Lý (Hà Nam), lý giải về việc học sinh chọn nghiêng về ban cơ bản là vì “tính linh hoạt, sát với nhu cầu học sinh” của ban này. Đã có ban cơ bản và phân hóa theo cơ bản A, cơ bản C… thì có thêm ban A, C nữa là thừa.
Ông Trần Viết Niệm, giáo viên Trường THPT Minh Khai (Hà Tĩnh), cũng cho rằng tâm lý “thi gì học nấy” chi phối đến sự lựa chọn của phụ huynh, học sinh và cả cách tổ chức dạy học tại các cơ sở giáo dục. Trên thực tế với cách thi cử hiện nay, học sinh chỉ cần học chương trình chuẩn hoặc có thể học tự chọn theo chương trình, chủ đề nâng cao ở một số môn phù hợp với khối thi, ngành nghề ở ĐH, CĐ.
Nói như nhiều người thì phân ban theo cách chia ba ban đã thất bại. Thầy Niệm cho biết việc thuyết phục học sinh học theo ban A, C quá khó, đến nỗi có những phụ huynh nói “nếu con bị ép học ban A, C sẽ tìm cách chuyển trường”.
Phân tích về kết quả tạm coi là “thất bại” này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Long nhấn mạnh đến việc kiểm tra, đánh giá học sinh chưa được đổi mới tương ứng với chương trình nên mục tiêu giáo dục đang đi chệch hướng. Một số ý kiến khác của các nhà giáo cũng cho rằng mục tiêu “học gì thi nấy” không chỉ làm phân ban bị trục trặc mà còn khiến học sinh phổ thông bị lệch lạc cả về kiến thức và kỹ năng. Vì không phải những thứ học sinh được học để thi đỗ đã là những thứ cần trang bị cho học sinh.
Chỉ cần ban cơ bản
Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Dũng, viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, thừa nhận: “Thực tế cho thấy ban cơ bản kết hợp dạy học tự chọn đáp ứng nhiều cơ hội của người học hơn, kể cả những học sinh chỉ tốt nghiệp THPT và những học sinh muốn học để thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ”.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, ban A, C ít sự lựa chọn không có nghĩa là phải hủy bỏ. Những học sinh có thiên hướng rõ rệt về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên vẫn có nhu cầu đăng ký ban A, C, và nếu học sinh muốn học ĐH, CĐ ở các lĩnh vực khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội thì chọn ban A, C sẽ có sự “liên thông về kiến thức” tốt hơn vì được học sâu hơn.
Phản biện ý kiến trên, một số nhà giáo cho rằng nếu bỏ ban A, C, tập trung mạnh hơn vào việc dạy tự chọn các môn thuộc khoa học tự nhiên, khoa học xã hội (cơ bản A, cơ bản C) không những đạt được mục tiêu đề ra của ban A, C như ý kiến của ông Nguyễn Anh Dũng mà việc dạy học còn thiết thực hơn. Thầy Trần Viết Niệm cho rằng nên điều chỉnh theo hướng “một ban” để thống nhất chỉ đạo, thống nhất hệ số đánh giá học sinh, đồng thời tập trung cho việc tổ chức dạy học tự chọn có hiệu quả cao hơn.
Nhiều ý kiến trao đổi bên lề hội nghị cũng khẳng định phân luồng, định hướng ngành nghề trong tương lai cho học sinh chỉ cần ban cơ bản là đủ, nhưng thêm vào đó cần có sự đổi mới đồng bộ để trước khi bước lên các bậc học cao hơn, học sinh phổ thông cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng để “làm người”.
Tuy nhiên, theo các thầy cô giáo, việc dạy học tự chọn về mặt lý thuyết là rất hay, nhưng thực tế ở nhiều nơi còn lúng túng, không hiệu quả. Do đội ngũ giáo viên chưa đủ lại phải rải ra cho các ban A, C, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều trường thay vào chỗ học sinh được học tự chọn thì phải gò học sinh vào chỗ “bị tự chọn”.
Tình trạng này khiến ở nhiều nơi ban A, C không ổn (ít học sinh, không thiết thực), ban cơ bản với việc dạy học tự chọn cũng chưa ổn. Cô Vũ Thị Thu Huyền – giáo viên Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Quảng Ninh) – cho rằng cần tập trung chuẩn bị kỹ hơn các điều kiện cho dạy học tự chọn, trong đó cần tính đến việc điều chỉnh cơ chế đối với nhà giáo.
Ủng hộ phương thức tăng cường dạy học tự chọn, cô giáo Nguyễn Thị Vinh, Trường Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang), đề nghị cần phải tháo gỡ khó khăn của số đông nhà giáo khi dạy học trong tình huống “luôn phải đối mặt với thi cử”. Ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng cần đổi mới từ chương trình, phương thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Hiện chương trình – sách giáo khoa đang được thực hiện cần một sự ổn định cho đến khi xây dựng một chương trình mới dự kiến vào năm 2015. Vì thế, với những ý kiến góp ý việc thực hiện, Bộ GD-ĐT chỉ có thể điều chỉnh ngay những vấn đề nhỏ, còn vấn đề lớn liên quan đến việc phải thiết kế lại thì không thể làm bây giờ.
Nên xây dựng chương trình 32 tuần
Ông Đào Việt Hùng, đại diện Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng: xét từng môn học thì chương trình không quá nặng so với các nước, nhưng nhìn tổng thể 13 môn học mà mỗi học sinh phải gánh trong khoảng thời gian eo hẹp thì quá nặng. Chính điều này khiến các thầy cô giáo chỉ loay hoay với việc truyền thụ kiến thức, không còn thời gian và điều kiện để quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng, đạo đức, lối sống cho học sinh.
Đại diện các sở GD-ĐT Nam Định, Lào Cai… đề nghị: nên xây dựng chương trình 32 tuần và vẫn thực hiện trong 37 tuần để các nhà trường có điều kiện giáo dục kỹ năng, đạo đức cho học sinh thông qua các hoạt động ngoài giờ học. Và các hoạt động ngoài giờ học cũng cần được Bộ GD-ĐT có biện pháp kiểm soát như việc thực hiện chương trình chính khóa.
|
TRỊNH VĨNH HÀ (TTO)
Bình luận (0)