Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phân ban lại nghiêng về… một ban

Tạp Chí Giáo Dục

Số liệu được đưa ra tại hội thảo đánh giá ba năm thực hiện chương trình THPT phân ban mới hôm qua 19-9, một lần nữa cho thấy hầu hết học sinh vẫn chọn học nghiêng về một ban.

Hội thảo do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM ngày 19-9 đã diễn ra khá sôi nổi với cùng một nỗi bức xúc của hầu hết đại biểu các tỉnh thành phía Nam liên quan đến những bất cập của chương trình phân ban.
Tỉ lệ phần trăm học sinh lớp 10 năm học 2008-2009 học theo ban trong cả nước – Ảnh: Như Hùng – Đồ họa: Vĩ Cường
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, sau ba năm thực hiện chương trình phân ban đại trà, các địa phương đều có đủ ba ban: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và ban cơ bản. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy đã có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các ban.
Phân ban hay luyện thi?
Tỉ lệ HS chọn ban cơ bản cứ khóa sau cao hơn khóa trước. Năm học 2006-2007, có 74,2% lớp 10 HS cả nước chọn ban cơ bản. Hai năm sau, năm học 2008-2009, khi lứa HS này lên lớp 12, tỉ lệ HS lớp 12 cả nước theo ban cơ bản nâng lên 76,7%.
Cùng trong năm học 2008-2009, tỉ lệ HS lớp 11 ban cơ bản là 81,26% và tỉ lệ này ở khối 10 là 83,8%. Trong đó, khu vực Tây Bắc bộ có đến 94,3% HS lớp 10 học ban cơ bản, ở Đông Bắc bộ là 91,9%, các khu vực còn lại cứ 5 HS có 4 em chọn ban cơ bản.
Ban cơ bản ngày càng gia tăng hẳn nhiên số HS theo ban khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ngược lại, ngày càng teo tóp. Đến năm học vừa rồi, số HS lớp 10 chọn ban KHXH-NV chỉ còn 1,9% tổng số HS cả nước. Con số ít ỏi đến nao lòng! Và tỉ lệ HS theo ban KHTN cũng chỉ khiêm tốn ở mức 14,2%. Năm học mới này, tuy chưa có thống kê tỉ lệ HS phân ban nhưng tình hình chung ở hầu hết các tỉnh thành, tỉ lệ HS chọn ban cơ bản tiếp tục tăng.
Tại TP.HCM, ban KHXH-NV không còn được HS chọn lựa ở nhiều trường THPT từ những năm trước, thậm chí nhiều trường xóa sổ luôn cả ban KHTN, chỉ còn lại ban cơ bản (chủ yếu là cơ bản không phân hóa và cơ bản phân hóa theo hai khối A và D1).
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT: tính đến năm học 2008-2009, có 64% HS lớp 10 chọn học ban cơ bản với một – hai môn nâng cao hoặc không nâng cao môn nào, đặc biệt là ở vùng Tây Bắc, Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Theo bộ, “điều này thể hiện rõ định hướng không dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ”.
Trái với nhận định của bộ, ông Châu Minh Hiền, trưởng phòng giáo dục phổ thông Sở GD-ĐT tỉnh Long An, cho rằng: “Bộ nhận định không đúng. HS chúng ta lựa ban nào thuận nhất để học, để thi tốt nghiệp. Thi tốt nghiệp hiện nay thi phần giao giữa hai chương trình, thi ĐH cũng có phần riêng cho chương trình chuẩn, vậy HS chọn nâng cao để làm gì”.
Thực tế, như cách nói của ông Hiền, có thể thấy việc chọn ban hiện nay của HS nhắm đến kỳ thi tốt nghiệp và thi ĐH. Và cũng gần như hiển nhiên khi mà ban cơ bản phân hóa thi ĐH khối A luôn được HS ưu ái nhất trong các ban cơ bản có phân hóa, kế đến là ban phân hóa khối D. Điều này trùng hợp với thực tế thi ĐH hiện nay, khối A và khối D1 luôn có số thí sinh dự thi đông nhất.
Chương trình phân ban, theo ý định ban đầu nhằm phân luồng và phát huy năng khiếu, sở trường của HS, nay chỉ còn mục đích nhắm đến kỳ thi. Thực trạng và những con số thống kê, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về kết cục có thể phá sản đối với chương trình phân ban THPT.
Ông Nguyễn Văn Vân – hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) – tư vấn cho phụ huynh về việc chọn ban trước khi nộp hồ sơ nhập học vào lớp 10 năm học 2009-2010 – Ảnh: Như Hùng
Nặng nề, quá tải
Sự quá tải của chương trình được hiệu trưởng một trường THPT tỉnh Tiền Giang dẫn chứng: “Việc bố trí chương trình các môn tự nhiên chúng tôi rất bức xúc vì giờ lý thuyết rất nhiều, luyện tập rất ít. HS không nắm bài tại lớp buộc lòng phải đi học thêm. Các trường vùng sâu như trường tôi phải tổ chức phụ đạo tại trường, thậm chí thời gian phụ đạo ngang bằng chương trình phân bổ thì HS mới hiểu. Có lẽ các thầy ở bộ phải về địa phương, ở đó một tuần mới thấu hiểu cho chúng tôi”.
Ông Châu Minh Hiền nhận định: “Chúng tôi thấy chương trình phân ban đang có vấn đề, phải điều chỉnh. Năm học THPT trước đây 35 tuần, bây giờ 37 tuần. Theo báo cáo của bộ, như thế đã giảm số tiết mỗi tuần. Đây có phải là giải pháp tình thế: dạy 35 tuần nặng quá, phải chuyển sang 37 tuần?”. Đồng tình ý kiến này, nhiều ý kiến khác cho rằng: khi chưa phân ban, mỗi năm học chỉ có 33 tuần, lúc phân ban thành 35 tuần và bây giờ là 37 tuần, năm học dài thêm ra trong khi chương trình vẫn nặng như cũ.
Trong khi đó, nhiều ý kiến bức xúc về việc không đồng nhất giữa sách giáo khoa nâng cao và sách chuẩn gây lúng túng, khó khăn cho giáo viên. Không ít khái niệm ở các môn hóa, lý hai sách viết hoàn toàn khác nhau. Giáo viên vừa dạy lớp học chương trình nâng cao nói theo đúng sách nâng cao, hết tiết bước qua lớp chương trình chuẩn phải nói khác cho đúng sách.
Lần thứ nhất, sau bảy năm thí điểm (1993-2000), chương trình THPT phân ban (cũ) đã khép lại không kèn không trống. Dự kiến của Bộ GD-ĐT “sau khi điều chỉnh chương trình sẽ triển khai đại trà mô hình THPT phân ban trên toàn quốc” từ năm học 2000-2001 đã không trở thành hiện thực.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của thất bại này được bộ rút ra sau đó là: “biểu hiện quá tải trong nội dung các môn chính ban, nội dung dàn trải và sơ lược trong các môn chéo ban, trình độ chuẩn trong chương trình môn học của các ban khác nhau chưa được làm rõ, có sự sai lệch giữa thiết kế mục tiêu và nội dung dạy học của các ban với thực tiễn xã hội…”.
Lần thứ hai, ngay sau đó Bộ GD-ĐT bắt tay xây dựng chương trình THPT phân ban mới cũng với mục tiêu sau một thời gian ngắn thí điểm sẽ triển khai đại trà vào năm học 2004-2005.
Nhưng Bộ GD-ĐT đã phải xin Quốc hội lùi thời hạn này thêm hai năm vì thực tế thí điểm cũng như bản thân chương trình chưa khả thi, chưa sẵn sàng cho sứ mệnh của một cuộc cải cách giáo dục THPT. Trong đó, khoảng cách quá chênh lệch 71% HS chọn ban khoa học tự nhiên và 29% chọn ban khoa học xã hội – nhân văn ở các trường THPT thí điểm phân ban là nguyên nhân quan trọng khiến người ta nghi ngờ khả năng thành công của chương trình THPT phân ban mới.
Cuối cùng, đến thời hạn triển khai đại trà (năm học 2006-2007) Bộ GD-ĐT đã phải điều chỉnh chương trình phân ban thí điểm, thêm vào đó ban cơ bản bên cạnh hai ban khoa học tự nhiên và khoa học xã hội – nhân văn vốn có.
PHÚC ĐIỀN (TTO)

 

Bình luận (0)