Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phản biện xã hội đối với dự thảo tách, hợp thửa đất tại TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 7-5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo quyết định của UBND TP ban hành quy định về điều kiện tách thửa, điều kiện hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP.


Quang cảnh hội  nghị

Trước đó, ngày 5-12-2017, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND (Quyết định 60) quy định diện tích tối thiểu được tách thửa. Quyết định này thực hiện tách thửa cho các trường hợp đất ở thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu, hoặc đất dân cư hiện hữu chỉnh trang, các trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông đất dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp có chức năng ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, khi Luật Đất đai 2024 và một số Nghị định hướng dẫn sắp được ban hành nên nội dung của Quyết định 60 không còn phù hợp, cần được sửa đổi để phù hợp nhu cầu cho người dân.

Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực và có văn bản hướng dẫn thì lúc đó TP.HCM ban hành quyết định về tách thửa, hợp thửa thì hợp lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo có nhiều bất cập cần được xem xét.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP, cho rằng điều kiện tách thửa phải phù hợp với quy hoạch chi tiết được phê duyệt, hạ tầng kỹ thuật phải được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào sử dụng theo quy định trước khi thực hiện thủ tục tách thửa. Trong dự thảo mới này cũng phải chỉnh sửa lại những điều kiện tách thửa đối với yêu cầu quy hoạch chi tiết 1/500 để mà tách thửa đất, thửa đất ở và có thêm thể xem xét giữ nguyên những cái yêu cầu quy 1/2000.

Bà Hoàng Thị Lợi – Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 1 cũng cho rằng nhu cầu tách thửa của người dân là rất chính đáng. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân có thể tách thửa cho con cái xây nhà khi lập gia đình, hoặc chia thừa kế. Tuy nhiên, cần có sự chú ý đến việc tách thửa, phải tạo điều kiện tốt cho chính quyền cũng như nhà nước trong việc quản lý.


Đại biểu phát biểu tại Hội nghị phản biện xã hội dự thảo điều kiện tách thửa, hợp thửa đất địa bàn TP.HCM

“Tách thửa có những hệ lụy khác, ví dụ như một số tổ chức bất động sản phân lô, bán nền thì rất khó cho quản lý, bắt buộc nhà nước siết là đúng. Tuy nhiên, nhu cầu tách thửa của người dân ở thành thị, nông thôn cũng phải được quan tâm. Nên có khảo sát đối với những quận, huyện vùng ven, vùng nông thôn để khi ban hành quyết định có sự hợp lý và thực hiện được”, bà Lợi nói.

Trao đổi về dự thảo này, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết, Luật Đất đai 2024 sắp có hiệu lực, nhưng Quyết định 60 có nhiều bất cập, cần sửa chữa nên phải làm gấp. Việc bản án, quyết định của Toà án phân chia không đảm bảo điều kiện của Dự thảo thì không tách thửa, phải thực hiện theo luật.

Theo dự thảo, diện tích tối thiểu được tách thửa đất cũng kế thừa Quyết định 60, chia địa bàn TP.HCM ra làm 3 khu vực.

Khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú. Thửa mới và thửa còn lại được quy định tối thiểu 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 3m.

Khu vực 2 gồm quận 7, 12, Bình Tân, TP.Thủ Đức và thị trấn các huyện, thửa đất hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa tối thiểu là 50m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 4m.

Khu vực 3 gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ (ngoại trừ thị trấn), thửa đất hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa tối thiểu là 80m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5m.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)