Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phân biệt cúm và cảm mạo

Tạp Chí Giáo Dục

Người ta thường nhầm lẫn giữa bệnh cúm (do virus gây ra) và cảm mạo (do thời khí gây ra). Về bản chất, nguyên nhân, cách điều trị khác nhau; mặc dù về triệu chứng giữa cúm và cảm mạo gần giống nhau.
Cúm
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền bằng đường hô hấp, hay lan thành dịch rộng, phổ biến ở mọi nước. Virus cúm có rất nhiều chủng và các chủng luôn thay đổi nên không tạo được miễn dịch chung, vì vậy một người có thể liên tiếp bị cúm do nhiều chủng gây nên.
Virus cúm truyền từ người bệnh sang người lành, thời gian lây lan từ ngày đầu đến ngày khỏi bệnh, trung bình 5 – 7 ngày. Trong khoảng cách giữa hai vụ dịch virus cúm tồn tại ở bệnh nhân mắc thể ẩn, trá hình, tản phát. Bệnh lây do tiếp xúc giữa người bệnh với người lành, khoảng cách gần, dưới 1m; không lây ở khoảng cách xa 5 – 10m, thường không lây gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua hơi thở, hắt hơi, sổ mũi, qua những giọt nước li ti chứa virus cúm. Các phương tiện giao thông hiện đại như máy bay, tàu thủy, tàu hỏa tạo điều kiện cho dịch cúm lan rất xa, rất nhanh.
Bệnh cúm có nhiều thể lâm sàng. Thể thường gặp là, sau thời gian nung bệnh ngắn, khoảng 1 ngày, ít khi tới vài ngày, bệnh phát rất đột ngột với triệu chứng: sốt, rét run nhiều lần trong ngày, thân nhiệt tăng lên 39 – 400C ngay ngày đầu, kéo dài 3 – 5 ngày, kèm theo là mệt mỏi, đau nhức toàn thân, đau đầu như búa bổ, đau nhức các cơ xương, khớp, chân tay rã rời, da khô nóng, mặt bừng bừng, mắt chói, chảy nước mắt, sổ mũi, ngạt mũi, đau rát họng, có khi ho tức ngực, khạc đờm hoặc chảy máu cam, miệng đắng buồn nôn, táo bón. Đồng thời các triệu chứng toàn thân dịu dần trong 5 – 7 ngày. Ở người lớn tuổi, mệt mỏi kéo dài, bình phục chậm.
Nhiệt độ 60oC làm virus chết sau 5 – 10 phút; trái lại, đông lạnh – 600C và khô trong chân không cho phép virus tồn tại một số năm; ở nhiệt độ 00 – 400C ngoài trời, virus cúm không tồn tại quá một ngày.
Cảm mạo
Cảm mạo là cảm nhiễm phải tà khí của bốn mùa trong năm, còn gọi là ngoại cảm. Nguyên nhân là do khí hậu trái thường của thời tiết, như đang lạnh đột ngột chuyển nắng nóng, và ngược lại. Các khí hậu trái thường đó xâm nhập vào cơ thể mà sinh ra, nặng lắm thì gọi là trúng; vừa vừa thì gọi là thương; và nhẹ thì gọi là cảm. Nếu tà khí nặng vào sâu ở kinh lạc là bệnh thương hàn, nếu là nhẹ mà ở nông chỉ phạm da lông là bệnh thương phong.
Như vậy, cảm mạo là thương phong, do thời tiết bốn mùa khác nhau gây nên, có thể chia làm cảm phong hàn, cảm phong nhiệt… Ngoại cảm phong hàn vào da lông làm phế khí mất túc giáng, thường phát vào mùa đông. Ngoại cảm phong nhiệt, cả phế và vệ ở biểu cùng bị tấn công, phế mất thanh túc, da bị bít lại sinh nhiệt, thường phát vào mùa xuân, mùa hè. Cả hai loại cảm mạo đều có thể hiệp thấp và có thể thấy ở cả bốn mùa. Vào mùa thu có thể có phong táo, có đặc điểm giống phong nhiệt.
Triệu chứng chung của cảm mạo là: nghẹt mũi, nặng tiếng, hắt hơi, chảy mũi, đau đầu, sợ gió hoặc có sốt, kéo dài 3 – 7 ngày…
Vũ Quốc Trung (Theo SK&ĐS)

Bình luận (0)