Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phân biệt sởi với một số bệnh có phát ban dạng sởi

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 4/3, Bộ Y tế chính thức ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi. Theo đó nhấn mạnh đến việc phát hiện sớm, phân biệt sởi với một số bệnh có phát ban dạng sởi để điều trị chính xác nhất.

Đồng thời, Bộ y tế cũng cho rằng, việc trước đó, bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi nhưng nay bệnh có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại

Bệnh nhân sởi trong đợt vừa qua chủ yếu rơi vào người lớn (Ảnh: H.Hải)

Bệnh sởi có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi, viêm giác mạc, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 10 – 14 ngày. Trong 2 – 4 ngày đầu, bệnh nhân sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp. Thường sau khi sốt cao 3 – 4 ngày, bệnh nhân bắt đầu phát ban, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

Tuy nhiên cũng có những thể không điển hình của sởi rất khó nhận biết. Đó là bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết. Bệnh nhân cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo. Xét nghiệm có thể có tăng men gan.

Để điều trị nhanh, hiệu quả, cũng cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có phát ban dạng sởi. Như bệnh Rubella, bệnh nhân cũng bị phát ban, nhưng việc phát ban này không có trình tự, bệnh nhân ít khi có viêm long. Còn nếu bị nhiễm vi rút entero, bệnh nhân cũng thường phát ban không có trình tự, đặc biệt là thường phát ban kèm theo rối loạn tiêu hoá.

Bệnh do Mycoplasma pneumoniae: Sốt nhẹ, đau đầu và viêm phổi không điển hình. Còn nếu bị sốt mò, thì bệnh nhân có vết loét hoại tử do côn trùng đốt. Sởi khác với ban dị ứng, đó là ban dị ứng thường kèm theo ngứa, tăng bạch cầu ái toan.

Sởi cũng khác với bệnh phát ban mùa xuân trẻ em. Bệnh phát ban thường xảy ra nhiều ở trẻ 6 tháng đến 2 tuổi, khởi đầu là tình trạng nhiễm khuẩn rồi có biểu hiện thần kinh, sau khi hết sốt thì ban mới mọc.

Bệnh sởi có thể để lại những biến chứng nặng nề như biến chứng viêm não màng não cấp tính: Thường xuất hiện khi bệnh vào giai đoạn hồi phục. Biểu hiện lâm sàng có thể sốt lại, đau đầu, cứng gáy, co giật và thay đổi ý thức từ lú lẫn, ngủ gà tới hôn mê. Đáng nói, còn có nguy cơ bị viêm não sau khi mắc sởi nhiều năm.

Ngoài ra, sởi gây các biến chứng bội nhiễm hay gặp ở trẻ em như viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phổi… Còn phụ nữ mang thai bị sởi có thể bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc thai nhiễm sởi tiên phát.

Vì thế, khi phát hiện bệnh nhân sởi, cần cách ly bệnh nhân, thời gian cách ly trong suốt giai đoạn viêm long cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban. Cần tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng cho người bệnh. Tăng cường dinh dưỡng cho người bệnh, ăn loãng, bổ sung nhiều nước.

Để phòng sởi, hiệu quả nhất vẫn là tiêm phòng vắc xin. Cần thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Hồng Hả (Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)