Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Phân bón được miễn thuế, doanh nghiệp “kêu trời”

Tạp Chí Giáo Dục

Việc chuyển mặt hàng phân bón từ danh mục chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) sang danh mục không chịu thuế VAT đang khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón gặp khó khăn chồng chất do chi phí tăng lên, giá phân bón cũng không giảm như kì vọng.

DN và nông dân đều chịu thiệt

Theo Luật số 71/2014/QH13 (gọi tắt là Luật 71) sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế (có hiệu lực từ 1/1/2015), mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT. Trước đây, sản xuất phân bón chịu thuế đầu vào chủ yếu là 10%, thuế đầu ra 5%, tuy nhiên thuế đầu vào được khấu trừ và thậm chí hoàn thuế nếu mức thuế này cao hơn thuế đầu ra. Khi áp dụng quy định mới, phần chênh lệch do không được khấu trừ thuế DN phải chịu. Để bù lại chi phí này, các DN buộc phải tăng giá bán. 

Vận chuyển đạm Phú Mỹ (sản phẩm của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí) đi tiêu thụ. Ảnh: TTXVN

Ông Dương Trí Hội, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo), DN sở hữu thương hiệu phân bón Phú Mỹ, cho biết: Thuế VAT các nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất phân bón là 10%, phần chênh lệch do không được khấu trừ lên đến 400 tỷ đồng/năm và DN phải chịu.
Còn theo bà Trần Thị Bình, đại diện Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (thương hiệu đạm Cà Mau), do không được hoàn gần 250 tỷ đồng/năm khiến lợi nhuận từ đầu năm đã giảm 30% và rất khó để cạnh tranh với các DN nhập khẩu phân bón.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tổng chi phí không được khấu trừ thuế VAT lên đến hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam phân tích: Có sự khác nhau giữa mức thuế VAT 0% và việc không phải chịu thuế VAT. Nếu nằm trong danh mục chịu thuế VAT (0% hay 5%), DN vẫn là đối tượng chịu thuế nên phải kê khai thuế VAT đầu ra và được hoàn thuế VAT đầu vào. Nhưng với quy định phân bón không phải chịu thuế VAT, DN không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, chi phí giá thành tăng nên khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Trong khi đó, nông dân cũng không mua được phân bón với giá thấp như kỳ vọng ban đầu.

Trái ngược với tình trạng khó khăn của các DN trong nước, lượng phân bón nhập khẩu lại tăng mạnh, giá rất rẻ do các loại nguyên liệu đầu vào như than, khí trên thế giới đều giảm. Điều này khiến người tiêu dùng quay sang mua phân bón nhập khẩu (chủ yếu của Trung Quốc), càng khiến DN trong nước thêm khó khăn, phân bón sản xuất ế ẩm.

Số liệu của Hiệp hội Phân bón, từ khi thực hiện Luật 71, tháng 1/2015, nhập khẩu urê tăng 652.000 tấn, gấp 3 lần so với năm 2014. Bảy tháng đầu năm nay, lượng urê nhập khẩu cũng tăng hơn 4,5 lần so với cùng kì 2015. Ngược lại, công suất các nhà máy trong nước lại giảm mạnh. Cụ thể, urê Ninh Bình giảm từ 550.000 tấn xuống còn 150.000 tấn mà không bán được. Nhà máy Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao trước đây mỗi ngày bán 3.000 tấn, nay chỉ bán được 2.000 tấn phân bón, thiệt hại hơn 200 tỷ đồng…

Kiến nghị sửa đổi luật

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), quy định tại Luật 71 đã tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu. Việc không được khấu trừ thuế VAT cho các thiết bị đầu vào đã không khuyến khích DN đầu tư phát triển khoa học công nghệ hoặc có chiến lược phát triển lâu dài. “DN phải tiết giảm chi phí bằng việc trừ vào các khoản đầu tư cho môi trường, phúc lợi xã hội, người lao động”, ông Thanh cho hay. 

Với thiệt hại lên đến hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm do không được hoàn thuế VAT đầu vào, nhiều DN phân bón thua lỗ kéo dài, thậm chí có nguy cơ phá sản. Do đó, ngành phân bón trong nước đang cần những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. Các DN kiến nghị, cơ quan chức năng sớm đưa phân bón về danh mục chịu thuế VAT bằng 0% hoặc giữ nguyên 5% như trước đây. Điều này sẽ khiến DN có thêm khoản chi phí để đầu tư vào sản xuất, từ đó giảm giá bán ra, người nông dân được hưởng lợi.

Một số DN cũng đề nghị xem xét áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với phân bón nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, nhất là khi giá urê thế giới đang xuống rất thấp. Liên quan đến kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết: Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đang nghiên cứu, tập hợp hồ sơ.

Đồng tình với quan điểm của Bộ Công Thương, đại diện cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị các DN và Hiệp hội Phân bón cần tập hợp ý kiến, có báo cáo chi tiết, cụ thể để gửi lên Chính phủ và Quốc hội ngay trong thời gian diễn ra kì họp lần này, trong đó cần có tiếng nói của VCCI là đơn vị bảo vệ quyền lợi của các DN. 

Theo Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm nay, sản lượng phân bón sản xuất trong nước giảm mạnh, trong đó đạm urê đạt 1,5 triệu tấn (giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2015), phân NPK đạt khoảng 1,67 triệu tấn (giảm 9,7%). Trong khi đó, 10 tháng đầu năm nhập khoảng 491.000 tấn phân urê, tăng 17,6% so với cùng kỳ 2015.

 

Hoàng Dương/ Tin tức
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)