Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phận buồn đời hát rong

Tạp Chí Giáo Dục

Kiếp cầm ca  

Mới 10 tuổi, Nguyễn Thị Hậu (quê Thanh Hoá) đã không còn được hưởng những giây phút vui đùa như nhiều bạn bè cùng trang lứa mà phải vật lộn với chuỗi ngày mưu sinh, mong dành dụm đưa tiền về nuôi mẹ ốm đau và chuẩn bị cho năm học mới. 

“Nhà em khổ lắm. Ba thì bị mù không đi làm được, mẹ lại mắc bệnh khớp ốm đau luôn. Nhân tiện nghỉ hè đi hát rong kiếm chút tiền về giúp đỡ gia đình” – Hậu kể với giọng đượm buồn.  

Người đời thường nói “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay” có lẽ không sai. Hình ảnh cha con Hậu gầy gò lê lết dắt nhau đi trên phố, với cả người khắt khe cũng gợi ít nhiều thương cảm. 

Khác với cha con Hậu, 3 anh em T làm nghề hát rong “chuyên nghiệp” hơn. Chiếc đàn guitar cắm điện, chiếc loa thùng vọng, chiếc micro cầm tay, 3 anh em dắt nhau đi khắp, kiếm tiền trang trải việc học và nuôi mẹ già không còn khả năng lao động.   

T là anh cả, bị mù từ nhỏ. Mới 20 tuổi cậu đã già dặn hơn người. T vừa là “nhạc trưởng”, vừa hát cho hai đứa em ngả mũ xin tiền. T kể, nỗi đau giáng xuống gia đình cậu như một định mệnh mà đến giờ khi nhắc lại T vẫn thấy đau đớn. 

Mười năm về trước, T là một học sinh rất giỏi. Một buổi ra vườn xem bố mẹ nhổ sắn, khi cả nhà đang xúm lại đào hố thì một tiếng nổ lớn trong phát ra. Tỉnh dậy, T không nhìn thấy gì nữa, mù cả hai mắt từ đó. Buồn hơn, bố vì che cho T nên đã vĩnh viễn ra đi, còn mẹ thì bị mất  hai chân. Cuộc sống gia đình thoắt rơi vào thảm kịch, sống nhờ tình thương của bà con làng xóm. 

T tâm sự: “Mình bị mù nhưng có sức khỏe, chẳng lẽ cứ ngồi chờ tình thương của mọi người. Rứa rồi mấy anh em quyết định sắm đồ đi hát rong kiếm sống”. Cuộc hành trình của 3 anh em rong ruổi, lấy đường là nhà, gặp đâu hát đó, tối đâu cũng là nhà. Rồi 3 anh em lưu lạc vào Huế làm kiếp cầm ca, mong sao kiếm đủ ít tiền gửi về nuôi mẹ già tàn tật ở quê.    

Hát cho đời cho mình  

Trong mắt người đời, thân phận hát rong chẳng khác nào những người lang thang cơ nhỡ, bụi đời, xin ăn. Ít ai cảm thông thấu hiểu rằng hát rong cũng là một nghề lương thiện như bao nghề lao động chân chính khác. Để có được chút tiền lẻ của người đời, họ cũng phải bỏ mồ hôi, công sức, cống hiến chút năng khiến trời cho ít ỏi. Như T tâm sự: “Bọn em khản cổ mới mong kiếm được đồng tiền. Nghề ni khổ lắm anh ơi”.  

Anh Nguyễn Văn Tam cha của bé Hậu thì lắc đầu: “Mình mù, không làm được chi nên đành lấy “nghiệp” ca xướng để làm kế sinh nhai. Nhiều khi hát mà còn bị người xua đổi, phỉ báng. Biết là nhục, nhưng âu cũng vì miếng cơm manh áo qua ngày”.  

Tuy nhiên, phần lớn người nghe hát đều cảm thông, chia sẻ, coi họ là những “nghệ sĩ lang thang” nghèo khổ, cần được giúp đỡ.  

T cho hay, muốn kiếm được tiền cũng phải biết cách, lựa chọn bài hát cho hợp thời hợp cảnh. “Đến quán nhậu thì hát những bài hát cho vui còn dọc lề đường thì hát những bài đượm buồn. Như thế mọi người mới chịu nghe rồi cho vài đồng tiền lẻ”. Những người như anh em T, cha con Hậu luôn dắt túi một cuốn sổ ghi lại danh sách những bài hát để có thể phục vụ bà con tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.

Anh Tam cho biết, dù chỉ là hát rong nhưng cũng cần đầu tư âm điệu, khi hát cũng phải gửi gắm tâm hồn mình vào đó, có thế mới mong có thu nhập.  

Chia tay họ, tôi chợt nhớ câu hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Kiếp này xin làm người hát rong, chỉ mong đời không chê trách…”, lúc này nghe sao thấy ai oán, cảm thương! 

Minh San (dantri.com.vn)

 

Bình luận (0)