Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phân cấp quản lý GDTX: Vẫn còn nhiều bất cập

Tạp Chí Giáo Dục

Hội thảo thực trạng phân cấp quản lý GDTX do Bộ GD-ĐT chủ trì

Khi đánh giá thành quả GD trong cả nước ngoài việc khẳng định những đóng góp của hệ thống GD chính quy không thể không nhắc đến “công trạng” của hệ thống GD không chính quy như mạng lưới bổ túc văn hóa, xóa mù chữ, phổ cập, trung tâm học tập cộng đồng… Tuy nhiên trên thực tế lộ trình phân cấp quản lý GDTX hiện vẫn còn nhiều bất cập, điều này dẫn đến nhiều kẽ hở trong quản lý và sự chồng chéo trong khi thực hiện. 
Từ chuyện chồng chéo
Theo báo cáo của Phòng GDTX Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay ngoài 3 TTGDTX cấp TP trực thuộc sở, toàn TP có 3 TTGDTX cấp ngành, 1 TTGDTX trực thuộc UBND quận và 23 TTGDTX do phòng GD-ĐT các quận – huyện quản lý. Nhìn vào “cục diện” đó chúng ta cũng đã thấy những bất cập đầu tiên trong việc phân cấp quản lý hệ thống TTGDTX hiện nay: không có sự thống nhất, không quy về một mối. Tuy cùng chức năng nhiệm vụ, nhưng mỗi TTGDTX lại có mỗi “bà đỡ” khác nhau. Bên cạnh cấp quận huyện, TP, một số trung tâm không chỉ trực thuộc ngành GD mà còn liên đới tới các ngành khác như Liên đoàn Lao động, TNXP, Sở Lao động Thương binh Xã hội, Thành đoàn… Do cơ cấu phức tạp như thế nên để thực hiện một quyết định, chỉ thị nào đó từ trên xuống là điều không dễ dàng nếu như không có được những “hội nghị hiệp thương” từ nhiều phía, nhiều ngành. Trước đây tại TP.HCM, nhiều năm liền đã tồn tại “mô hình” trưởng phòng GD-ĐT quận/ huyện kiêm thêm chức giám đốc TTGDTX. Mặc dù hiện nay “mô hình” này không còn phổ biến nhưng vẫn còn 4 trưởng phòng GD-ĐT phải kiêm nhiệm chức giám đốc TTGDTX. Đây cũng là điều có nhiều ý kiến không chấp nhận. Một cán bộ phòng GDTX khẳng định: “Hai chức danh này không thể song song tồn tại cùng lúc được vì một bên là đơn vị hành chính sự nghiệp còn một bên thuộc đơn vị nhà nước”.
Cũng từ “cục diện” phức tạp đó mà làm cho cơ chế quản lý và thanh tra toàn diện thường xuyên bị vướng. Một giám đốc TTGDTX đã chỉ ra một kẽ hở khác về quản lý chuyên môn còn tồn tại cho đến nay là: Hai mảng chính của các TTGDTX quận huyện là khối BT THPT và nghề là do sở quản lý nhưng khi thanh tra và xét thi đua lại “đưa” về quận huyện nên việc đánh giá sẽ thiếu căn cứ thực tế. Tuy sở quản lý về chuyên môn nhưng dưới con mắt của phòng GD thì các trung tâm GDTX cũng chỉ ngang hàng với trường THCS mà thôi. Nhân sự ban giám đốc các TTGDTX thường được “đi lên” từ đội ngũ cán bộ quản lý của các trường THCS và do UBND quận huyện bổ nhiệm. Tuy nhiên do tính chất đa ngành nên việc quản lý một TTGDTX không thể giống với một trường THPT hay THCS được.
Đến sự bất cập

Không ít người kêu gọi cần có sự công bằng trong giáo dục nhưng thực tế hiện nay lại khác, học phí của GDTX quá thấp (30.000đ/ tháng), Nhà nước lại đầu tư nhỏ giọt. Trong khi GD chính quy học phí của người học cao, luôn có các chính sách ưu đãi… Điều này làm cho đội ngũ thầy cô giáo đang công tác ở TTGDTX cảm thấy chạnh lòng vì cách đối xử không công bằng “coi mình không phải con đẻ mà bị bỏ rơi như là con nuôi”.

Box: Do phân cấp chồng chéo trong việc quản lý chuyên môn nên các đề kiểm tra học kỳ do phòng GD-ĐT ra nhưng đến khi thi lại do sở ra đề làm “mất định hướng” cho cả thầy và trò trong chuyện dạy và học. Một đơn cử khác về sự chồng chéo là bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên hay tập huấn thay SGK thì do sở triệu tập, còn bồi dưỡng định kỳ lại do phòng GD-ĐT đăng cai nên có trường hợp giáo viên vừa mới đi tập huấn trên sở xong lại về phòng GD bồi dưỡng tiếp mặc dù cũng chỉ có một nội dung đó.
Từ thực tế quản lý, có người đã quả quyết: “Một hiệu trưởng trường THPT qua làm giám đốc TTGDTX cũng chưa chắc đã đảm đương nổi hết công việc huống chi là một hiệu trưởng THCS”. Không chỉ bổ nhiệm từ hiệu trưởng THCS, một số giám đốc trung tâm lại xuất thân từ cán bộ phường, cán bộ công đoàn của phòng GD nên khi được giao quản lý cả một trung tâm thì gặp không ít lúng túng.
Tại TP ít có TTGDTX nào đủ đội ngũ giáo viên cơ hữu nhưng không phải “xin là có được”. Rào cản trước hết là từ các phòng GD-ĐT quận huyện. Khi có quyết định từ sở thì phòng không muốn nhận vì biên chế các quận huyện còn dư, quỹ lương lại không có. So với giáo viên trường THPT, giáo viên các TTGDTX vất vả hơn nhiều. Ngày nào cũng hoạt động cả 3 ca, ngoài đứng lớp còn tham gia công tác xóa mù chữ, phổ cập… những công việc không hề được đào tạo trong trường sư phạm. Không giống như các trường THPT, TTGDTX lại trực thuộc quận huyện làm gì cũng phải đi “đường vòng”, đây là một áp lực qua nhiều tầng cho giáo viên – như đánh giá của một giám đốc. Trong TTGDTX cũng không có chức danh cho các nhân viên thiết bị, y tế nên không thể hợp đồng từ bên ngoài được, đa số phải “bắt cóc” giáo viên làm kiêm nhiệm. Năm học 2008-2010 mỗi trung tâm đã được tăng 33 biên chế nhưng vẫn không có chức danh giám thị như trường phổ thông nên việc quản lý học sinh gặp nhiều khó khăn. Các trung tâm muốn hợp đồng ngoài cũng không biết lấy quỹ lương từ đâu ra.
“Điểm danh” các TTGDTX đều thấy phòng ốc chật hẹp, chắp vá, thường các trường PT không dùng được thì mới “ưu tiên” cho GDTX. Hiện vẫn còn trung tâm có cơ sở tiếp quản từ nhà dân chỉ có vài phòng học. Cụ thể là TTGDTX quận 5 nhờ sở cấp kinh phí nên có tiền để mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học nhưng chưa dám “khiêng” về vì không có nơi chứa! Nhiều trung tâm muốn “phủ sóng” các lớp ngoại ngữ – tin học nhưng cũng đành “bó tay” vì không có quỹ đất xây dựng trường lớp. 
Cơ sở vật chất các TTGDTX yếu kém như vậy thế nhưng kinh phí mỗi năm từ trên “rót” xuống rất ít. Làm một bài toán so sánh thì thấy rõ, một TTGDTX có hơn 3.000 HV và 15 biên chế mỗi năm tối thiểu cần khoảng 5,4 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ được cấp 700 triệu đồng. Sống trong cảnh “con nhà nghèo” thì làm sao thay đổi được bộ mặt và điều kiện dạy và học cho nhà trường được?
Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)