Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phân công chủ nhiệm: Bài toán nan giải đầu năm học

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh các công việc khác tất bật chuẩn bị cho năm học mới của nhà trường, công việc phân công chủ nhiệm cũng không phải dễ dàng; đâu phải cứ “bốc” giáo viên (GV) nào còn thiếu tiết quy định, “lấp đầy” là xong!

Công việc này có trường “dự liệu” ngay từ khi vừa kết thúc năm học trước để có sự chuẩn bị dài hơi, kỹ càng. Công tác chủ nhiệm tốt, mạnh thì các hoạt động của nhà trường mới mạnh lên, mới có hiệu quả và ngược lại… Do đó, ban giám hiệu nhà trường rất chú trọng công việc phân công để làm sao đúng người, đúng lớp; phát huy được những phẩm chất của một GVCN…

Nhưng thực tế cho thấy, những GV có nhiều giờ dạy lại rất nhiệt tình, xông xáo, tích cực trong công tác chủ nhiệm. Nhưng phân công thêm công tác kiêm nhiệm thì họ lại dư giờ!

Nếu GV dư giờ nhiều sẽ bị cấp trên khiển trách, cho rằng phân công lao động trong trường thiếu hợp lý, dẫn đến người thì dư giờ nhiều, người lại thiếu ngày công! Ngược lại, một số GV chưa đủ tiết dạy thì họ lại thiếu nhiệt tình trong công tác chủ nhiệm. Nếu phân công cho có thì cũng có thể chấp nhận nhưng chắc chắn mọi phong trào sẽ gặp nhiều lực cản vì GVCN chưa đều tay.

Đúng là một bài toán nan giải bởi không phải lớp nào chưa có GVCN thì cứ “nhét” GV thiếu giờ dạy vào cho xong!

Tôi có nhiều năm làm tổ trưởng tổ chủ nhiệm của trường và cũng nhiều phen rất vất vả vì những GVCN yếu. Nội quy của nhà trường là GVCN phải hướng dẫn, nhắc nhở lớp mình đóng cửa sổ (đề phòng mưa tạt vào, làm hư hỏng bàn ghế), sắp xếp bàn ghế gọn gàng, tắt đèn quạt khi học xong tiết cuối trong ngày. Nhưng có những buổi đi kiểm tra, nhiều phòng học vẫn ngổn ngang bàn ghế; quạt vẫn chạy và cửa sổ vẫn mở. Tôi gọi nhắc nhở GVCN nhiều lần nhưng sự việc vẫn đôi khi lặp lại. Sau này mới biết những GVCN này luôn “điều hành từ xa”, chỉ gọi cho lớp trưởng, nhờ lớp trưởng “làm thay” chứ ít khi trực tiếp làm và có kiểm tra mức độ hoàn thành công việc.

Nếu mình nhắc nhở nhiều sẽ nhận những giận hờn, trách móc thậm chí họ còn “vận động” cho GV khác gạch tên khi ở trên tổ chức “lấy phiếu tín nhiệm đề bạt”. Nhưng nếu không chấn chỉnh kịp thời, không nhắc nhở thì những phong trào, những hoạt động của nhà trường thiếu hiệu quả, thiếu đồng đều giữa các lớp.

Phân công xong không phải là “khỏe” mà còn biết bao cuộc họp; thống nhất tiêu chí thi đua, điểm trừ điểm cộng, xếp loại hạnh kiểm hàng tuần, hàng tháng, giữa học kỳ và cuối học kỳ… Qua đó mới thấy, chỉ có những GV có tinh thần trách nhiệm cao mới đảm nhiệm được công tác chủ nhiệm…

Trưng Sa Đông

 

Bình luận (0)