Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phân công GV, một nghệ thuật quản lý

Tạp Chí Giáo Dục

Làm công tác quản lý, việc phân công giáo viên sao cho hợp lý là cả một nghệ thuật, thể hiện tài dụng binh của ban giám hiệu. Tâm lý chung, giáo viên ai cũng thích được phân công lớp tốt, có nhiều học sinh ngoan, giỏi để dễ đạt kết quả cao, nhận được danh hiệu thi đua, quà thưởng cuối năm. Vì thế cứ mỗi đầu năm học là ban giám hiệu phải đau đầu với nhiều nguyện vọng, nhiều yêu sách đặt ra. Giáo viên có người chỉ thích dạy lớp đầu cấp vì học sinh ngoan ngoãn, dễ bảo nhưng cũng có giáo viên thích dạy lớp cuối cấp để thể hiện tài năng. Có giáo viên muốn “lưu ban” nhiều năm ở một khối lớp vì ngại soạn giáo án mới. Nhưng có người lại yêu cầu mỗi năm được lên một lớp để trải nghiệm và được theo học sinh. Có thầy cô thích nhận lớp chuyên để thể hiện tài năng rèn học sinh giỏi và được tiếng thơm khi các em đỗ đạt. Đa phần giáo viên không chịu nhận làm chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh chưa ngoan, học yếu vì ngại khó, ngại khổ.

Ôi thôi, giáo viên có nhiều lý do để thoái thác phân công của ban giám hiệu. Vậy người cán bộ quản lý phải làm sao đây? Năm đầu tiên làm hiệu trưởng, do chưa có kinh nghiệm nên tôi hơi lúng túng và có thái độ hữu khuynh, nghĩa là cố gắng chiều hết nguyện vọng giáo viên để mọi người vui. Tôi nghĩ, khi giáo viên được đáp ứng nguyện vọng, họ sẽ có tâm lý phấn khởi và giảng dạy tốt hơn. Nhưng tôi đã nghĩ sai. Việc chiều theo nguyện vọng giáo viên sẽ không đi đến đâu cả! Thực tế cho thấy, ta chỉ có thể chiều được một vài người chứ không thể chiều hết cả một tập thể giáo viên mấy chục người. Nếu không thể cùng lúc đáp ứng tất cả nguyện vọng, mâu thuẫn sẽ nảy sinh. Buồn hơn nữa, dù được đáp ứng nguyện vọng nhiều lần, nhưng chỉ một lần không được như ý, giáo viên cũng sẽ bất mãn, quạu quọ! Hậu quả của cách làm này chẳng những không làm mọi người vui mà còn nảy sinh giận hờn, trách móc, tình hình thêm rối ren. Bảng phân công bày ra trước mắt như một “thế trận” mà hiệu trưởng chính là người điều binh, khiển tướng. Muốn đạt được mục tiêu của năm học, người quản lý phải đặt giáo viên vào đúng chỗ, đúng việc. Biết người, biết ta thì “trăm trận trăm thắng” điều đó không sai. Khi phân công không nên để tình cảm chi phối mà phải cương quyết giao việc thích hợp cho từng người. Tiêu chí quan trọng đầu tiên để xem xét khi phân công chính là “Vì học sinh thân yêu”. Căn cứ vào đặc điểm, lứa tuổi, tính chất, lợi ích của học sinh từng lớp mà sắp xếp giáo viên vào vị trí phù hợp chứ không nên làm theo quy trình ngược lại, từ yêu cầu của giáo viên mà sắp xếp học sinh, lớp. Ví dụ như lớp đầu cấp cần phải có giáo viên chăm chút, tỉ mỉ, có thái độ thân thiện, gần gũi với học sinh. Lớp cuối cấp cần giáo viên có nhiều kinh nghiệm chuyên môn và nghiêm khắc để uốn nắn hướng dẫn các em thi cử sao cho tốt. Lớp có nhiều học sinh cá biệt thì giao cho giáo viên hiểu tâm lý, kiên nhẫn, ứng xử khéo léo với học sinh. Bên cạnh đó nên chú ý tính công bằng khi phân công. Nên giao cho giáo viên luân phiên dạy lớp khó để được trải nghiệm, rèn giũa tay nghề, phát huy điểm mạnh của mình. Giáo viên trẻ mới ra trường nên lần lượt dạy các khối, loại lớp theo từng năm học để trải nghiệm và trưởng thành.

Ban giám hiệu cần nghiên cứu kỹ tình hình đặc điểm và năng lực của giáo viên, nắm bắt trường hợp những giáo viên có con nhỏ, cha mẹ già, nhà xa, sức khỏe yếu hoặc mới ra trường. Mặt khác, cần phải tham khảo kết quả của năm học trước để làm cơ sở cho việc phân công trong năm học này. Ngoài ra, nhà quản lý nên minh bạch, công khai trước giáo viên về tiêu chí phân công để mọi người biết và thông cảm, sẵn sàng giải thích khi có giáo viên thắc mắc do trái nguyện vọng. Phân công giáo viên là cả một nghệ thuật. “Dụng nhân như dụng mộc”, nếu phân công hợp lý, sẽ tăng hiệu quả giáo dục, năm học chắc chắn thành công, phải không các bạn?

An Nhiên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)