Mặc dù việc phân công nhiệm sở cho giáo viên (GV) trúng tuyển công chức ngành giáo dục đợt I năm học 2008-2009 đã được tiến hành từ ngày 26-8, nhưng đến nay vẫn có không ít trường hợp chưa biết đi đâu về đâu. Ngày ngày họ vẫn túc trực tại Phòng Tổ chức Cán bộ (TCCB) – Sở GD-ĐT TP.HCM với hy vọng có một chỗ dạy như mong muốn.
Trước thực trạng này ông Văn Công Sang – Trưởng Phòng TCCB – Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Trong số 2.772 GV trúng tuyển đợt I được phân công nhiệm sở, đến thời điểm này Phòng TCCB nhận được khoảng 300 đơn xin thay đổi nhiệm sở. Trong đó có trên 20 trường hợp bị nhiệm sở trả về, số còn lại chủ yếu là không đồng ý với sự phân công của Sở…
PV: Những năm trước, việc phân công nhiệm sở diễn ra công khai và dựa trên điểm số của các ứng viên. Ứng viên nào có điểm số cao thì được chọn nhiệm sở trước, tiếp theo là những ứng viên có điểm số thấp dần. Còn năm nay, Phòng TCCB tự phân công nhiệm sở cho các ứng viên. Vậy việc phân công này dựa trên tiêu chí nào, thưa ông?
Ông Văn Công Sang: Có thể nói đó là tiêu chí “càng gần nhà càng tốt”, bởi chỉ có gần nhà thì GV mới không bỏ nhiệm sở. Và điều quan trọng hơn là 4 năm sau chúng tôi không phải làm tiếp công tác điều chuyển nữa. Nghĩa là không còn tình trạng điều chuyển GV (đã dạy ít nhất 4 năm ở ngoại thành, PV) từ ngoại thành về nội thành như những năm trước đây…
Như ông nói là căn cứ vào tiêu chí “càng gần nhà càng tốt”để phân công nhiệm sở nhưng tại sao lại xảy ra tình trạng GV ở Q.1 về Q.9 dạy, ngược lại GV ở Q.9 lại về Q.10 dạy, còn GV về dạy tại Q.1 lại là người ở Q.3…
– Những GV này không cùng một môn, một cấp dạy. Chẳng hạn, GV Nguyễn Văn A. dạy môn toán bậc THCS có hộ khẩu Q.1 nhưng Q.1 không thiếu GV môn toán mà Q.9 thiếu nên phải phân về Q.9. Trong khi đó Q.9 thừa GV hóa (THCS) nên phải điều về Q.10 vì Q.10 thiếu…
Hiện nay đang xảy ra tình trạng ngoại thành thừa GV mầm non (MN). Nguyên nhân là do giáo dục MN ở ngoại thành chưa phát triển, trong khi số học sinh tốt nghiệp THPT thi vào sư phạm MN tương đối nhiều. Vì vậy, sau khi đã phân đủ GVMN cho các huyện ngoại thành, số còn lại sẽ được trải đều cho các quận nội thành. Ví dụ, GVMN có hộ khẩu Củ Chi phân đều về các Q.5, 10, 3, 7, Gò Vấp. Phân công như vậy sẽ tránh được tình trạng bỏ nhiệm sở hàng loạt.
Song song với tình trạng thừa GVMN ở ngoại thành là thiếu GV tiểu học tại các quận có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và đông dân nhập cư như Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Chánh, Gò Vấp, Tân Bình, Q.12. Vì vậy, phải điều chuyển GV từ các quận trung tâm như Q.1, Q.3, Q.5 tới những quận này.
Từ những thực tế trên đã dẫn đến việc không ít GV phải dạy xa nhà nhưng Phòng TCCB – Sở GD-ĐT và các phòng giáo dục quận, huyện đã tính toán để các GV có thể đi dạy được. Và thực tế đã chứng minh, so với những năm trước, năm nay tỷ lệ GV bỏ nhiệm sở rất ít.
Từ 8-9, Phòng TCCB bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển công chức ngành giáo dục năm học 2008-2009 đợt II. Đợt này, Sở sẽ tuyển thêm khoảng 1.600 GV. Nhưng trên thực tế có không ít GV đã trúng tuyển đợt I khi được phân công nhiệm sở lại bị các trường từ chối không nhận. Ông giải thích như thế nào về tình trạng này?
– Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiệm sở từ chối GV. Về phía nhà trường, có thể xảy ra tình huống vào cuối năm học 2007-2008, GV Trần Lan B. (cũ) nói với Ban giám hiệu là hết hè sẽ xin nghỉ. Do đó, Ban giám hiệu đề xuất với Phòng TCCB (đối với trường thuộc Sở GD-ĐT quản lý), phòng giáo dục quận, huyện (đối với trường thuộc phòng quản lý) xin GV mới về. Nhưng hết hè, GV B. lại không nghỉ nữa, do đó trường không cần tuyển thêm GV mới. Vì vậy, khi Sở GD-ĐT phân công GV mới về thì trường trả lại để Phòng TCCB phân công nhiệm sở khác.
Tính đến thời điểm này, trong số 2.772 GV được phân công nhiệm sở chỉ có trên 20 GV bị trả về. Và tất cả những GV này đều được Phòng TCCB phân công nhiệm sở khác…
Hiện nay có không ít GV học môn này nhưng lại phải dạy môn khác. Chẳng hạn, GV lịch sử dạy môn giáo dục công dân, GV vật lý dạy môn kỹ thuật công nghiệp… Việc này liệu có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục không, thưa ông?
– Vì GV văn, GV vật lý thừa, trong khi GV kỹ thuật công nghiệp, GV giáo dục công dân lại thiếu nên Phòng TCCB đã mời những GV này lên tư vấn nếu họ chấp nhận dạy trái môn được đào tạo thì sẽ trúng tuyển công chức. Mặt khác, giữa các môn vật lý và kỹ thuật công nghiệp, lịch sử và giáo dục công dân cũng có nhiều điểm tương đồng nên việc giảng dạy không có gì khó khăn. Đương nhiên, những GV phải dạy trái môn được đào tạo cũng cần phải đọc thêm tài liệu, học hỏi thêm các đồng nghiệp…
Hòa Triều (thực hiện)
Bình luận (0)