Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Phấn đấu GDP tăng 5,2%

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 5/9, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8/2012, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013.

Kinh tế-xã hội chuyển biến đúng hướng, tích cực
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đều nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2012 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu. Theo đó, về thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau khi giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm và có trị số âm trong 2 tháng gần đây đã có mức tăng 0,63% so với tháng trước, là mức tăng cao nhất trong vòng 6 tháng gần đây.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Trong thời gian qua, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động hơn và linh hoạt hơn, theo đó các mức lãi suất điều hành đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 4-5%/năm, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Nhiều ngân hàng đã triển khai các gói tín dụng quy mô lớn hỗ trợ khách hàng tốt để sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp, khoảng 9-10%. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 73,41 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước… 

Về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 13/NQ-CP đã dần phát huy tác dụng, sản xuất công nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực qua từng tháng, bảo đảm cung ứng đủ điện và một số nguyên liệu, sản phẩm cho sản xuất và tiêu dùng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, đạt kết quả tốt. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm ước tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2011. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, trong tháng 8, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 6,5% so với tháng trước… 

Các cấp, các ngành đã tích cực triển khai tốt các chính sách an sinh xã hội như theo dõi sát tình hình, triển khai các biện pháp phòng, chống bão lũ, đồng thời kịp thời tổ chức cứu trợ, ứng phó và đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả, nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; hỗ trợ cứu đói và trợ cấp xã hội; đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn so với tháng 7; nợ xấu cũng như việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa chuyển biến tích cực; diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ vẫn khá phức tạp; khu vực doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ nguồn vốn thấp; chỉ số hàng tồn kho vẫn ở mức cao…
Tháo gỡ những “nút thắt” của nền kinh tế
Theo ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ, các giải pháp đề ra trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua là đúng và trúng, mặc dù còn những khó khăn song đã giải quyết được những vấn đề cốt lõi nhất của nền kinh tế là đã kiềm chế được lạm phát, giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản đảm bảo được anh sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, đề xuất trong thời gian tới, cần kiên định và quyết liệt hơn nữa trong mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đi liền với đó là tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý.
Ngoài ra, một số thành viên Chính phủ cũng nêu quan điểm cần tiếp tục đ iều hành chính sách giá cả linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm. Đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư từ NSNN, vốn TPCP, vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Cố gắng không để thâm hụt ngân sách nhà nước. Khẩn trương rà soát, bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, khôi phục thị trường bất động sản.
Đóng góp ý kiến vào dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và một số thành viên Chính phủ đề xuất nên lấy chỉ tiêu tăng trưởng cơ sở khoảng 6% là phù hợp với tình hình thực tế; cùng với đó giữ tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng ở mức khoảng 6-7% là vừa và phù hợp với điều kiện của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, trong đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế cần quan tâm tới tăng đầu tư xã hội, tăng tổng cầu của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả hơn các giải pháp nhằm huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; chú trọng tới phát triển thị trường vốn mang tính dài hạn; làm mạnh và quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu nền kinh tế; ưu tiên vốn thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm; thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; tiếp tục quan tâm tới công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí… 

Phấn đấu GDP tăng 5,2%, giữ lạm phát ở mức 7%
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, 9 tháng qua bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế-xã hội đất nước ta đạt được mục tiêu đã đề ra, tạo nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng. Nổi bật là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá ổn định, xuất khẩu tăng, nhờ đó nhập siêu giảm, cân đối được thu chi ngân sách, duy trì được tăng trưởng quí sau cao hơn quí trước, đầu tư toàn xã hội tăng, giải ngân đầu tư công đảm bảo kế hoạch…
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế như, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc; tăng trưởng tín dụng thấp; doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn; hàng tồn kho còn cao…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm của năm 2012 còn hết sức nặng nề, cần sự phấn đấu quyết liệt, cao độ của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện đạt kết quả cao các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, trong đó phấn đấu GDP tăng 5,2%, giữ lạm phát ở mức khoảng 7%; thực hiện tốt các chính sách về tài chính, tiền tệ; ưu tiên tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Đề cập về việc xây dựng kế hoạch năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành phải tính toán kỹ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2013 cho sát và phù hợp với tình hình thực tế, trong đó tập trung phải tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại; giữ tăng trưởng hợp lý (khoảng 6%); tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế tập trung vào 3 lĩnh vực là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tài chính ngân hàng; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng;…
Từ mục tiêu tổng quát trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành chức năng tính toán, đề ra các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường cụ thể như: tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng; tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế qua đào tạo; chỉ tiêu giảm nghèo; số giường bệnh trên 1 vạn dân…
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh quan điểm, trong năm 2013 cần tiếp tục thực hiện triệt để tiếp kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; hết sức chú ý đến các giải pháp huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển; cương quyết thực hiện giá xăng dầu, than theo cơ chế thị trường…

Thiện Thuật

Theo Báo Tin Tức

Bình luận (0)