Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ (ĐNB) lần thứ 4 với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các địa phương trong vùng đã kiến nghị Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ địa phương hoàn thành các đề án, chủ trương đã được phê duyệt, góp phần phát triển vùng ĐNB xứng tầm.
Đóng góp khoảng 1/3 GDP
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, mặc dù chỉ chiếm hơn 9% diện tích nhưng vùng ĐNB đóng góp khoảng 1/3 GDP và chiếm 44,3% nguồn thu ngân sách cả nước. Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 452,073 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2 sau vùng đồng bằng sông Hồng, chiếm gần 51,1%. Giá trị xuất khẩu đạt trên 59,2 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng đồng bằng sông Hồng, chiếm gần 35%.
Trong 7 tháng, cả nước có gần 139.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vùng ĐNB có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%.
Vùng ĐNB tiếp tục dẫn đầu cả nước về cả số dự án và tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tính đến hết ngày 20-7, tương ứng 20.701 dự án và 187,4 tỷ USD. Riêng TP.HCM đứng thứ nhất cả nước với số dự án chiếm gần 32% và gần 12% tổng số vốn đăng ký.
Tính đến nay, vùng ĐNB có 6/6 địa phương đã hoàn thành, trình thẩm định quy hoạch và được Thủ tướng phê duyệt 5/6 tỉnh.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, quá trình phát triển của vùng ĐNB thời gian qua còn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế vùng trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%). Mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi, động lực tăng trưởng của vùng đang chậm lại.
Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế của vùng chưa thực sự bền vững, tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng chậm được cải thiện, nhất là tại TP.HCM. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; liên kết vùng thiếu chặt chẽ…
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ĐNB, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra để nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển vùng.
Cần vốn đầu tư nhiều dự án
Về phía các địa phương trong vùng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP đang nỗ lực thực hiện đề án phát triển đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo dự kiến đến năm 2030, TP sẽ xây dựng thêm 183km đường sắt đô thị, lúc đó năng lực vận tải công cộng của đường sắt đô thị chiếm 15-20%. Đến năm 2045, TP có thêm 168km, nâng tổng số đường sắt đô thị là 352km, năng lực vận tải công cộng chiếm từ 40-50%. Đến năm 2060, hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị của TP với tổng chiều dài là 510km, năng lực vận tải công cộng chiếm 50-60%.
Về nguồn vốn, ông Mãi thông tin, TP.HCM xác định nguồn vốn trong nước và đầu tư công là chủ yếu. Trong đó, TP xác định nhu cầu vốn đến năm 2035, là khoảng 36 tỷ USD; đến năm 2045 cần 33 tỷ USD; năm 2060 cần 48 tỷ USD. Số tiền này được huy động qua các nguồn đầu tư công của TP bằng cách bố trí hằng năm, tăng thu, tiết kiệm chi; nguồn từ khai thác quỹ đất; nguồn từ Trung ương hỗ trợ qua các dự án trọng điểm; nguồn từ vay trái phiếu chính quyền địa phương và sẽ trả từ các nguồn thu từ ngân sách TP.
Ông Mãi cũng cho biết, TP dự kiến trình Quốc hội ban hành nghị quyết với 16 cơ chế thuộc thẩm quyền Quốc hội và trình Chính phủ với 9 cơ chế thuộc thẩm quyền Chính phủ…
“TP.HCM đề nghị có cơ chế vượt trội trong giải phóng mặt bằng, huy động vốn và quản lý. Nếu không gỡ khó, chỉ làm theo quy trình đầu tư công, 20km làm trong 20 năm, nếu làm 500km chắc phải kéo dài hàng thế kỷ”, ông Mãi nêu.
Theo ông Mãi, thời gian qua, TP.HCM đã trình đề án này cho Ban Chấp hành Đảng bộ TP, trình HĐND TP. Hiện TP.HCM đang phối hợp với TP.Hà Nội và Bộ Giao thông – Vận tải để hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.
Liên quan đến dự án Vành đai 3, ông Mãi cho biết các vướng mắc lớn là cát xây lắp, giải phóng mặt bằng và tiến độ của một số hạng mục.
“Các địa phương đã thống nhất sẽ ngồi lại để đánh giá và cố gắng đảm bảo tiến độ đến tháng 1-2026 thông xe kỹ thuật và quý II năm 2026 hoàn thành dự án”, ông Mãi cho biết.
Đối với dự án Vành đai 4, về giải phóng mặt bằng, ông Mãi cho biết, ngoài việc TP tự bảo đảm nguồn vốn, các địa phương có dự án đi qua kiến nghị Trung ương hỗ trợ 50%, riêng Long An đề nghị Trung ương hỗ trợ 75%.
Theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, các tỉnh trong vùng đang chịu áp lực lớn về nguồn vốn để đầu tư các dự án lớn. Riêng tỉnh Bình Dương, hiện đang tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm liên kết vùng với tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng. Sau khi cắt, giãn, hoãn các công trình chưa thật sự cần thiết, tỉnh vẫn còn thiếu khoảng 10.000 tỷ đồng.
“Tỉnh Bình Dương mong Trung ương ủng hộ cho tỉnh cơ chế được vay 10.000 tỷ đồng để tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm như đường Vành đai 4, Vành đai 3, dự án mở rộng Quốc lộ 13, cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành”, ông Lợi kiến nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cũng cho biết, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, địa phương đã họp với các ngành và đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể để phấn đấu hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao trước ngày 30-4-2025 nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này.
Đối với đồ án phát triển Khu kinh tế Mộc Bài theo định hướng công nghiệp đô thị – dịch vụ gắn với quốc phòng – an ninh, UBND tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chung và đã trình Thủ tướng ngày 28-6. Ông Ngọc kiến nghị Thủ tướng với vai trò Chủ tịch Hội đồng vùng ĐNB cho chủ trương tỉnh cùng với các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế, chính sách riêng cho khu kinh tế này để có thể triển khai tạo động lực phát triển Khu kinh tế Mộc Bài khi được phê duyệt quy hoạch chung.
Trinh Trinh
Bình luận (0)