Đêm đến, chỉ cần chiếc võng như thế này. Anh Nguyễn Văn Thành đã ngủ ở công trình gần bốn năm nay |
Những người thợ xây ăn và ngủ tại công trình đã tiết kiệm khoản tiền thuê nhà. Tuy nhiên, ở lán trại không đơn giản như nhiều người nghĩ, bao khó khăn, cực nhọc luôn vây lấy họ, kể cả trong giấc ngủ.
Lán trại là nhà
Đã hơn bốn năm theo nghề lái xe ủi nhưng Nguyễn Văn Thành (Kiên Giang) chỉ mất khoảng một năm ở nhà thuê. Cứ xe ủi đến công trình nào thì nhà anh ở đó. Thành đã “tạm trú” tại công trình đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) hơn 5 tháng nay. Thành chỉ vào chiếc bao vải dù treo lủng lẳng trong buồng lái xe ủi, nói: “Đó, nhà của tôi ở trong đó đó”. Tất cả mọi thứ từ mùng, mền, võng và các nhu yếu phẩm được đựng gọn trong cái bao ấy, cứ tối đến là lấy võng ra treo lên buồng lái, hôm nào trời không mưa thì mắc võng ra ngoài để ngủ”. Với thu nhập gần 7 triệu đồng/ tháng của Thành thì dư sức thuê một căn nhà ngon lành để ở nhưng vì ngủ ở công trình ngoài việc tiết kiệm một khoản tiền khá lớn ra còn tiện việc canh giữ máy móc. Thành tâm sự: “Ngủ ngoài trời riết rồi quen, lần nào về nhà. Tối đến là không ngủ được, trời không mưa thì đem mền, chiếu ra sân ngủ, còn mưa thì đành nằm trằn trọc tới sáng và phải mất nhiều đêm mới bình thường trở lại”.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến công trình xây dựng chung cư phức hợp trên đường Chánh Hưng, quận 8. Nằm lọt thỏm phía sau đám cỏ xanh cao quá đầu người là một lán trại dựng lên tạm bợ, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Phận gái như Nguyễn Thị Ngọc Thắm (21 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng đã “nếm mùi” ăn, ngủ ở công trình gần 6 tháng nay. Thắm kể: “Tiền công phụ hồ chỉ có từ 50-60 ngàn đồng/ ngày, lúc mới lên thành phố đâu có quen biết ai đâu mà ở chung, đành phải thuê một phòng, tính tiền điện nước luôn mất gần 700 ngàn đồng/ tháng. Khi chuyển qua công trình này, mấy anh, mấy chú ở đây dựng lán trại lên, mình xin ở ké”. “Đại gia đình” của Thắm có gần 20 người, kẻ Bắc người Nam, già trẻ, gái trai có đủ. Ngoài công việc phụ hồ, Thắm kiêm luôn công tác hậu cần. Ông Trần Kiên, người lớn tuổi nhất được các thành viên trong “đại gia đình” này gọi là bố. Mấy anh thanh niên choai choai mê phim kiếm hiệp thì gọi ông là “đại trưởng lão” hoặc “lão tiền bối”. Ông Kiên cười nhe cái hàm răng ố vàng bởi khói thuốc lá khi có khách đến chơi nhà. “Mấy ông đến để kêu chúng tôi đăng ký tạm trú chứ gì, tui biết mà, cũng đang đợi tụi nhỏ đưa giấy chứng minh nhân dân đủ thì tôi ra đăng ký”. Ông Kiên nói thế vì tưởng chúng tôi là người của phường. Tôi giải thích nhưng ông Kiên vẫn dè chừng: “Tụi tui tuy nghèo, ít học nhưng không bao giờ làm điều gì trái pháp luật”.
Được biết, việc xây dựng lán trại cho công nhân ở tại địa phương nào đều có sự đồng ý của lãnh đạo của địa phương đó và chủ thầu xây dựng là người đứng ra chịu trách nhiệm khi có chuyện xảy ra.
Nước mắt người thợ
Trở lại thăm “đại gia đình” của Thắm vào một ngày đầu tuần tháng 3. Trong giờ làm việc mà thợ thầy không thấy, nhìn ra phía lán trại ngổn ngang bởi lá dừa, cây, quần áo nằm lăn lóc. Thắm ra đón tôi với bộ dạng thất thần. Chưa kịp hỏi chuyện gì đã xảy ra thì Thắm mếu máo, nói: “Mưa, sập…”. Thì ra cơn mưa trái mùa lớn nhất trong gần 20 năm nay đã “hạ” lán trại chèm bẹp xuống đất. Chiều hôm trước do nước mưa ngập úng cả khu lán trại, mọi người phải di tản sang công trình đang xây để ngủ tạm một đêm. Sáng nay, ông Kiên chỉ đạo bọn trẻ dựng lại lán trại mới.
Cầm di ảnh đang nằm lẫn lộn trong rổ chén, đũa lên lau chùi bùn đất, bà Hạnh (sau này mới biết là mẹ của Thắm, là thành viên mới của “đại gia đình”) rưng rưng nước mắt, nói: “Tội nghiệp, chết rồi mà cũng không yên”. Thắm cho biết người trong ảnh là cậu ruột của mình, đã qua đời vì tai nạn sập giàn giáo vào năm 2006.
Anh Giang nói thêm: “Mấy bữa nay mưa, tối đến muỗi nhiều quá, anh em phải uống rượu cho say mèm để khỏi mất ngủ vì muỗi”. |
Đến lán trại công nhân xây dựng cầu Rạch Đỉa (quận 7) cũng là lúc mọi người đang quây quần bên mâm cơm chiều. Nước dưới kênh Rạch Đỉa dâng cao kèm theo mùi tanh, hôi luôn chực chờ sộc vào mũi. Đang ăn cơm, cơn gió nhẹ thoảng qua là mọi người phải buông đũa để lấy tay bịt mũi. Anh Sơn Giang (quê Trà Vinh), cho biết: “Khổ lắm, nhiều đêm mất ngủ vì cái mùi hôi từ dưới kia bay lên. Công trình ở đây, biết chuyển đến đâu bây giờ”. Lán trại ở đây không sợ mưa gió bởi được che chắn dưới gầm cầu Rạch Đỉa nhưng ám ảnh bởi chuyện nước sinh hoạt. Không đủ tiền mua nước sạch từ các đại lý, mỗi ngày anh em thay nhau đi mua nước ở nhà dân (nước giếng – PV) trên đường Nguyễn Thị Thập rồi thuê xe ba gác chở về. “Đâu có dám xài nhiều, trung bình xài một can 20 lít/ người/ ngày”. Còn chuyện giặt giũ nghe mới thảm làm sao, “hôm nào trời mưa thì hứng nước để dành giặt, trời nắng thì mỗi lần tắm, ngồi vào trong cái thùng phuy đã cắt miệng để giữ lại nước mà giặt quần áo”. Anh Giang cho hay.
Trần Trọng Tri
Bình luận (0)