Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phận đời “vô gia cư”

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh đã hơn chục năm ngủ ở vỉa hè

Người trẻ Sài Gòn có thú vui đi dưới mưa hàng giờ không biết chán. Những đôi lứa yêu nhau thả hồn dưới mưa hò hẹn, thề thốt đến quên cả lối về. Còn với những mảnh đời vô gia cư, trong đêm mưa, họ như một chiếc lá mỏng manh.
Chạy… mưa
Hành nghề xích lô gần 50 năm ở phố đồ cổ Lê Công Kiều, Q.1, bác Thành (thường được gọi bằng lão Thành) là dân Sài Gòn thứ thiệt nhưng cả đời không thoát được cảnh chạy mưa. Lai lịch của bác Thành tôi chỉ biết có bấy nhiêu. Hỏi gì bác cũng vui vẻ trả lời nhưng nhắc đến chuyện con cái bác lại suy tư, cảm giác mệt mỏi lộ rõ trên khuôn mặt nhăn nheo, rám nắng. Chiếc xích lô có tuổi đời xấp xỉ với bác vừa là phương tiện kiếm cơm hàng ngày, vừa là nhà, là giường mỗi khi đêm về. Không ít người đề nghị nuôi nấng nhưng bác quả quyết: “Tôi nghèo nhưng không phải ai cho gì cũng lấy, người ta ban ơn có nghĩa mình mắc nợ. Tuổi tôi đã gần đất xa trời, muốn ra đi được thanh thản, khỏi vướng bận chuyện thế gian”.
Mưa. 23 giờ ở vỉa hè đường Sư Vạn Hạnh, Q.10, một người đàn ông trạc ngoài 50, dáng nhỏ thó, vừa run lẩy bẩy vừa quay đầu xe kéo lên lề một cách khó khăn. Thay vội chiếc quần ướt sũng bằng chiếc quần kaki cũ mèm rồi khoác vội chiếc áo mưa 2.000 đồng, leo lên xe, rít một hơi thuốc thật dài, ngước mặt nhìn trời, người đàn ông nói giọng run run, đứt quãng: “Không biết khi nào trời mới tạnh mưa?”.
Mái hiên cây xăng gần trạm xe buýt Bến Thành là điểm dừng chân thường nhật của cụ Nguyễn Thị Nhẫn (70 tuổi, quê Duyên Hải, Trà Vinh) sau một ngày lao động vất vả. Cụ Nhẫn bán vé số dạo hơn chục năm nay ở chợ Cũ. Gia tài của cụ không có gì đáng giá ngoài chiếc túi xách đựng hai bộ đồ cũ mà cô công nhân vệ sinh mới cho tuần trước, chiếc mền cũ và mớ bao ni lông, áo mưa rách tả tơi. Đặt chiếc nón lá rách vì bao năm mưa nắng xuống đất, cụ Nhẫn lấy từng đồng tiền lẻ từ trong các túi ra đếm. Cụ Nhẫn bảo: “Phải chia nhỏ tiền bỏ ở nhiều túi, lỡ bị giật, móc túi thì cũng còn ít vốn mà đi bán”. Khi nghe hỏi chuyện người thân, giọng cụ chùng xuống: “Mình sinh ra mà không lo được gì cho con thì thôi chứ ăn bám chúng sao đành. Chúng lập gia đình, còn phải nuôi vợ nuôi con nên khổ cực lắm!”.
Từ lúc Ban quản lý chợ Cũ không cho ngủ trong chợ nữa, cụ tìm đến đây. Ba năm rồi, dưới mái hiên của cây xăng, cây cột bê tông vuông là nơi che mưa, che gió cho cụ. Cứ gió thổi hướng đông thì cụ lại chuyển sang hướng tây để tránh. Đêm mưa to gió lớn, chiếc mền mỏng dính rách lỗ chỗ không đủ làm ấm tấm thân già. Coi như đêm nay cụ thức trắng cùng mưa.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh (60 tuổi) đã ngót 6 năm “kinh nghiệm” ngủ vỉa hè đường Nguyễn Thái Học, Q.1. Vì đau bệnh cần tiền thuốc thang nên số vốn tích lũy dưới 1 triệu đồng không đủ xoay vòng mua thuốc bán. Không còn cách nào khác, bà phải mượn tiền, mỗi ngày góp 30 ngàn đồng để làm vốn. Bà Oanh nghẹn ngào: “Ngủ vỉa hè nửa đêm đau bệnh không biết kêu cứu ai. Có hai đứa con, đứa nào cũng có hiếu nhưng ngặt nỗi tụi nó nghèo quá không giúp gì cho mình được”. Thương thân bà nghèo khó, đêm đến ngủ dưới gió sương, các anh công an phường mang tặng bà chiếc mền. Chiếc giường xếp bà nằm mỗi đêm (của một người tốt bụng biếu), đến nay cũng đã rách tả tơi.
Giấc ngủ tạm
Có nhiều lý do để người lao động phải tìm một chỗ ngả lưng chờ sáng. Dịch vụ cho thuê chỗ ngủ tạm đã xuất hiện tại TP.HCM.
Dịch vụ cho thuê chỗ ngủ tạm ấy nằm trên đường Hoàng Diệu, Q.4, TP.HCM. Nói dịch vụ cho có vẻ hoành tráng chứ thật ra nó chỉ là một quán cà phê vỉa hè chật chội. Tùy vào con mắt nhìn người (giàu, nghèo, sang, hèn) mà chủ quán có thể thu của khách từ 8-12 ngàn đồng mỗi đêm. Ngủ tạm đồng nghĩa với không có giường, không chăn êm nệm ấm. Người lao động có thể đánh một giấc tới sáng trên chiếc ghế xếp loại dành cho khách ngồi uống cà phê.
Tôi cho xe chạy chậm lại trước quán cà phê, nơi cho thuê chỗ ngủ tạm. Thấy tôi, ông chủ quán bước ra ngoài đưa một ngón tay lên miệng ra hiệu tắt máy xe để không làm ồn khiến mọi người thức giấc. Ông ta hỏi: “Chú ngủ đêm hay cà phê?”. Khi tôi trả lời chỉ cần ly cà phê đá, ông ta chỉ sang dãy bàn bên trái. Bên phải tôi, 7 người đang ngon giấc. Có người trên tay còn cầm điếu thuốc đỏ lửa nhưng đã ngủ sâu tự lúc nào. Lát sau, một người đàn ông tuổi trung niên đi xe ôm đến, không cần hỏi han, tự tìm cho mình một chiếc ghế. Kéo trong túi ra chiếc nón rộng vành úp lên mặt để che ánh sáng đèn, người nghiêng một bên, chân sải thẳng về phía trước ra vẻ thoải mái lắm.
Một người khách nữa được bạn chở đến, trên tay cầm ổ bánh mì ăn dở, dáo dác tìm chỗ ngả lưng. Bước đến chiếc ghế trống cuối cùng ở dãy ghế sát nhà, anh ta lại quay ra. Anh hất cằm về phía người đàn ông đang ngủ ở hàng ghế trước, nói như mách: “Thằng cha đó ngủ ngáy to như tiếng còi tàu, ai mà ngủ cho được” khiến tôi không nhịn được cười.
23 giờ, hai cô gái ước chừng 18, 20 đèo nhau trên chiếc Max II, trông cách đi đứng, ăn mặc chẳng khác nào “bướm đêm” ghé vào. Liếc ngang, tôi thấy một cô móc tiền và điện thoại từ túi chiếc quần ngắn cho vào chỗ kín rồi khoác ngược chiếc áo ấm lên phía trước. Sau khi thỏ thẻ với ai đó qua điện thoại, người bạn đi cùng cô gái cũng làm thế. Có thể đó là kinh nghiệm bảo vệ tài sản của chính mình khi đi ngủ tạm.
Với những mảnh đời vô gia cư, đêm mưa gió là nỗi ám ảnh cùng cực. Mưa. Đêm càng dài thêm. Một đêm với người vô gia cư, tôi thấu hiểu được nỗi niềm của những mảnh đời đêm mưa không nhà.
Bài, ảnh: Trần Tuy An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)