Trước hết, cần khẳng định rằng: Việc chấm bài làm văn của học sinh là một việc làm đòi hỏi sự nghiêm túc, trách nhiệm và lương tâm của người thầy.
Học sinh lớp 12 trong tiết học môn ngữ văn. Ảnh: T.L |
Hầu như môn văn rất ít có điểm 9, điểm 10 vì giáo viên cho rằng văn mà đạt điểm 10 thì học sinh đó… không cần học nữa! |
Do đó, không vì lý do gì mà giáo viên chấm qua loa với lời phê bài nào cũng giống bài nào như “Cần cố gắng”, hoặc “Có tiến bộ”… Thậm chí có thầy cô còn chấm bài theo kiểu đo “gang tay”. Theo đó, độ dài bài làm khoảng 5 gang tay chấm 8 điểm; 4 gang tay chấm 7 đến 7,5 điểm; 3 gang tay chấm 6 điểm. Chấm bài kiểu này thật “tiện lợi” cho cả thầy lẫn trò, chẳng cần đọc xem ý tứ thế nào, câu cú diễn đạt ra sao miễn là đáp ứng được… số “gang tay” trên.
Theo tôi, chấm bài làm văn của học sinh thì giáo viên phải hiểu điều kiện học tập, hiểu tâm lý các em. Cụ thể, học sinh ở vùng sâu, vùng xa phương tiện giải trí rất hiếm hoi, nói gì đến việc đọc sách, nghiên cứu. Tác phẩm văn học đối với các em hoặc vấn đề nêu ra trong bài văn nghị luận xã hội đều mới mẻ, xa lạ. Mặt khác, các em mới chỉ “tập” thôi chứ đâu đã “viết” văn, mà nếu đã “viết” thì cũng làm sao tránh khỏi thiếu sót trong quá trình làm bài!
Quan điểm chấm bài của tôi ngược với quan điểm chấm bài của nhiều người. Với tôi, tôi luôn chú ý tìm các ý có tìm tòi, phát hiện (nhiều khi khác với bài dạy của mình); tìm những cái tiến bộ trong diễn đạt, lập luận để ghi nhận và cho điểm. Còn các lỗi có thể bỏ qua được thì chỉ nhắc nhở, lưu ý học sinh khắc phục chứ không trừ điểm bài làm của các em. Gặp những bài viết có khả năng, tôi chữa vài lỗi diễn đạt bằng một đoạn ngắn cho các em tham khảo. Lời phê luôn có hai phần: Nhận xét về mặt mạnh và mặt yếu của bài làm; động viên, khuyến khích các em; khơi gợi niềm say mê học văn cho các em…
Khuyến khích học sinh viết văn hay Tôi hay ra một điều kiện khi cho học sinh làm bài kiểm tra: Bài nào đạt điểm cao, có những ý hay, sáng tạo, sâu sắc…, thầy sẽ cho đánh máy và gửi đăng báo. Thế là các em thi đua một cách lặng lẽ, âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt. Mặt khác, tôi cũng ra điều kiện: “Bài thầy gửi đi, khi đăng báo nếu có tranh chấp “bản quyền” thì học sinh tự chịu trách nhiệm!”. Từ đó nạn “sao chép, chắp nhặt dông dài” văn mẫu cũng dần dần hạn chế… |
Nhiều người có quan điểm là chấm thật kỹ từng câu, từng đoạn; bắt từng lỗi nhỏ nhặt, gạch bằng viết đỏ nên nhìn cả bài đầy vạch đỏ ngang dọc. Học sinh nhìn vào bài cảm thấy tự ti, không còn tin vào bản thân. Nên chăng, chúng ta cần trân trọng từng cố gắng của học sinh, dù đó là cố gắng nhỏ nhất. Bởi một lời khen, một lời động viên đúng lúc, kịp thời sẽ kích thích tinh thần học tập của các em. Đừng vội dập tắt những đốm lửa nhỏ bởi từ đốm lửa ban đầu sẽ là ngọn lửa của niềm tin, niềm đam mê sau này.
Do tình hình ngân sách ngày càng khó khăn, một số địa phương có “sáng kiến” là không tính tiền chấm bài cho giáo viên theo quy định và lập luận rằng: Đó là nhiệm vụ của giáo viên! Từ đó nảy sinh ra những cách “lách luật”, chấm bài theo kiểu “hòa cả làng”. Thôi thì cứ cho 5, 6, 7 điểm cho xong. Cả bài văn chẳng có một chỗ sửa chữa nào. Một lời phê, nhận xét ưu, khuyết cũng không có. Nhiều phen học sinh tỏ ra ngơ ngác, không hiểu vì sao mình “bị” 5 điểm; có em ngạc nhiên vì được điểm 7, điểm 8 mà trước đó chưa bao giờ đạt được (!). Dần dần cứ theo lệ, điểm không quá thấp mà cũng chẳng quá cao nên học sinh cũng chán nản, nhiều khi chưa làm bài đã “đoán” mình sẽ được mấy điểm. Việc chấm bài văn trở thành công việc như một cái máy, vô hồn vô cảm và học sinh cũng vô cảm luôn đối với bộ môn.
Chấm văn đối với tôi là một niềm vui, được trò chuyện, tiếp xúc với những suy nghĩ, những tâm tình của học sinh qua những dòng chữ lặng im mà chất chứa bao cảm xúc, bao nỗi niềm. Mỗi lần chấm xong, phê những dòng nhận xét chân tình, tôi đều ghi “Hy vọng là em sẽ tiến xa!” để nhóm lên ngọn lửa nhỏ trong tim các em. Mỗi lần tôi chấm khoảng 5-6 bài rồi nghỉ; không cố chấm cả xấp bài, rất dễ mệt mỏi và đầu óc không còn tỉnh táo, không còn khách quan nữa.
Hy vọng những dòng tâm sự này đến với các đồng nghiệp gần xa để thấy được việc chấm văn là niềm vui khi có bài văn hay, giàu cảm xúc; đồng thời việc chấm văn cũng là “nỗi khổ”, đầy trăn trở khi các em chưa đạt tới điều mình mong muốn. Được trăn trở, được thấm thía “nỗi khổ” đâu phải bộ môn nào muốn cũng có được.
Lê Đức Đồng
(Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, Sóc Trăng)
Bình luận (0)