Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phản hồi bài Cần lựa chọn phương pháp phù hợp (ngày 30-11): Xây dựng kỹ năng và công khai cách đánh giá

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, chúng ta đang vận động dạy và học theo giáo dục hiện đại, luôn chú trọng vào tính thực tiễn, khuyến khích người học hình thành suy nghĩ độc lập, sáng tạo và sẵn sàng tranh luận. Đã có một số thay đổi đáng khích lệ, khi kiến thức được chuyển hóa thành những sáng tạo ứng dụng. Tuy vậy, sẽ là nửa vời nếu không kèm theo việc thay đổi phương pháp đánh giá.

Được tham quan trải nghiệm thực tế, các em HS sẽ tiếp thu kiến thức nhanh hơn, nhớ lâu hơn. Ảnh: Y.Hoa

Theo đó, phương pháp đánh giá người học cũng phải hướng đến tính thực tiễn, địa chỉ ứng dụng của kiến thức; chứ không thể chỉ quanh quẩn trong một vài hình thức quen thuộc như kiểm tra viết luận, trắc nghiệm đơn thuần.

Đối với các môn học mang đặc thù khoa học, kỹ thuật (như hóa học, sinh học, vật lý…) cần tận dụng phòng thí nghiệm là nơi tổ chức đánh giá thông qua các bài tập thực nghiệm cụ thể, hoặc xây dựng mô hình vận dụng thực tế. Thành lập câu lạc bộ, vườn ươm nghiên cứu khoa học cũng có thể xem là một cách làm có nhiều kết quả tích cực.

Đối với nhóm môn học thiên về hình thành và phát triển các quan điểm, nhận định (chẳng hạn như lịch sử, địa lý, giáo dục công dân…), có thể đánh giá bằng các hình thức thảo luận nhóm, tổ chức tọa đàm, hội thảo với quy mô nhỏ. Người học thì được trải nghiệm các hoạt động tranh biện, lập luận, người dạy thì dễ dàng quan sát và nhận xét quá trình nhận thức của người học. Cũng có thể áp dụng hình thức tham quan thực tế, thực địa và cho người học thực hiện bài thu hoạch (ví dụ: tham quan bảo tàng, di tích đối với môn lịch sử; tham quan địa danh, địa chí đối với môn địa lý; tham quan các địa điểm có tính giai thoại đối với môn văn học…).

Đối với những môn mang tính chất ý tưởng, sáng tạo hay năng khiếu (như hội họa, âm nhạc…), sản phẩm thực hành sẽ được ưu tiên hàng đầu trong việc đánh giá. Có thể cân nhắc việc công bố các sản phẩm của người học để một mặt hướng đến địa chỉ ứng dụng, mặt khác tạo sự tương tác và nhận biết phản hồi của cộng đồng xã hội. Sự hồi đáp của xã hội cũng có thể xem là một trong những tiêu chí trong thang đo đánh giá.

Có thể nói, thay đổi phương pháp đánh giá theo hướng thực chất hơn, sẽ tránh được tình trạng học sinh học vẹt, quay cóp khi kiểm tra – điều luôn khiến nhiều giáo viên đau đầu. Nhưng thay đổi ra sao? 

Muốn tổ chức đánh giá theo hướng mới, người dạy tất nhiên phải có kế hoạch từng bước rèn luyện cho người học các kỹ năng kèm theo, nhằm đáp ứng phù hợp với hình thức đánh giá mới. Các kỹ năng rất phong phú, đa dạng và tùy theo nhu cầu của người học, môn học; song thường các kỹ năng đó là: cách chủ động tìm kiếm và nghiên cứu tài liệu (cả tài liệu sách và tài liệu mở), kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tin học, kỹ năng viết bài luận… Cũng rất cần kết hợp nhiều hình thức đánh giá khác nhau cho một môn học. Việc kết hợp không chỉ giúp người học được trải nghiệm nhiều con đường tiếp cận, củng cố kiến thức mà còn giúp kết quả đánh giá được công bằng, chính xác (vì mỗi người học sẽ có một thế mạnh riêng, phù hợp với từng hình thức đánh giá nhất định). Kết hợp đánh giá nhiều hình thức cũng tạo điều kiện để người học phát triển toàn diện các kỹ năng lĩnh hội kiến thức.

Công khai mọi thông tin về cách đánh giá môn học cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Cần tạo điều kiện để người học có thể quan sát quá trình đánh giá, phản hồi những thắc mắc về bài làm, về điểm số. Một khi người học cảm nhận được sự công bằng và tính minh bạch thì người học cũng sẽ có những cảm tình nhất định đối với môn học.

Trần Xuân Tiến

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)