Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phản hồi bài Cạn nguồn tuyển giáo viên ngoại ngữ?: Chuyển việc khác nếu không “lên hạng”

Tạp Chí Giáo Dục

Như Giáo dục TP.HCM đã thông tin trong số báo ra ngày 22-1, hiện nay cả nước có trên 51% giáo viên tiếng Anh tiểu học, 63,29% giáo viên tiếng Anh THCS, 73,88% giáo viên tiếng Anh THPT chưa đạt chuẩn. Từ năm 2011, Bộ GD-ĐT cũng đã tiến hành nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo các sở GD-ĐT, nếu bồi dưỡng mà vẫn không đạt chuẩn thì sẽ phải chuyển công việc khác.

Một tiết học tiếng Anh tại Trường TH Lương Thế Vinh (Q.7, TP.HCM). Ảnh: A.K

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ GD-ĐT, yêu cầu tuyển dụng với các giáo viên tiếng Anh tiểu học là phải có đủ năng lực ngôn ngữ bậc 4 đối với những người tốt nghiệp CĐ chuyên ngành tiếng Anh, bậc 5 đối với những người tốt nghiệp ĐH chuyên ngành tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ 2020. Đồng thời, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm tiếng Anh tiểu học do cơ sở đào tạo đã được Bộ GD-ĐT chỉ định cấp; đảm bảo về năng lực ngôn ngữ và năng lực sư phạm để giảng dạy tiếng Anh ở tiểu học. Tuy nhiên, tại Hội thảo tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tiểu học đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn tiếng Anh hiện nay và hướng tới việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới được Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý, Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết khó khăn lớn nhất khi thực hiện chương trình tiếng Anh tiểu học chính là vấn đề đội ngũ giáo viên giảng dạy. Số lượng thì chưa đủ, chất lượng thì chưa đảm bảo. Để đủ số lượng giáo viên cho việc thực hiện dạy 4 tiết/tuần vào năm học 2018 theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới và theo lộ trình của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, các trường tiểu học sẽ cần thêm nhiều giáo viên nữa, đặc biệt ở các vùng khó.

Chất lượng giáo viên tiểu học so với giáo viên THPT và THCS thì có sự khác biệt. Trước kia, tiếng Anh là môn tự chọn, các trường tuyển giáo viên vào dạy, hầu hết đều không đạt chuẩn. Nói chung là không có nhiều giáo viên tiểu học chuyên về tiếng Anh mà chỉ tuyển giáo viên khác về dạy tiểu học. Điều này gây khó khăn cho các cán bộ quản lý giáo dục. Khi đã tuyển dụng rồi thì không có chỗ để tuyển người khác. Sau đó là vấn đề chuyên môn yếu, rất khó để bồi dưỡng vì nhiều người học chắp vá, chất lượng kém.

Việc bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh trong những năm gần đây diễn ra tương đối tốt nhưng vẫn còn tình trạng người đi bồi dưỡng không chú tâm vào học và người tổ chức bồi dưỡng không tạo điều kiện cho giáo viên đi học. Các cơ sở bồi dưỡng giáo viên, nhất là các trường CĐ ở địa phương cũng thiếu trách nhiệm. Hậu quả là người được đi bồi dưỡng không đạt chuẩn. Trong quá trình bồi dưỡng, chất lượng còn hạn chế. Việc kiểm tra chất lượng đầu vào, kiểm tra đầu ra cũng có nhiều bất cập, gây dư luận không tốt.

Bà Nguyễn Thúy Hồng – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý – Bộ GD-ĐT cũng khẳng định có hiện tượng rút ngắn thời gian bồi dưỡng, cắt bớt nội dung bồi dưỡng. Điều này là hoàn toàn chính xác và được các địa phương phản ánh. Giảng viên tham gia bồi dưỡng không đạt chuẩn. Phương pháp bồi dưỡng còn mang tính chất truyền thụ, truyền đạt, chưa được quán triệt.

Bố trí công việc khác nếu không đạt chuẩn

Bà Nguyễn Thị Thúy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Mỹ 1 (tỉnh Hưng Yên) cho biết giáo viên ngoại ngữ cấp tiểu học hiện đang gặp phải hai vấn đề khó khăn. Thứ nhất là chỉ tiêu tuyển dụng các tỉnh không còn. “Nhiều giáo viên dạy tốt, có người gắn bó với ngành 10 năm nhưng không được vào biên chế nên đã chuyển việc” – bà Thúy cho hay. Khó khăn thứ hai là có chỉ tiêu thì tuyển dụng khó khăn vì yêu cầu phải đạt trình độ B2. Trong khi đó, vấn đề bồi dưỡng giáo viên hiện đang gặp nhiều khó khăn, cán bộ quản lý không thể tự bồi dưỡng cho giáo viên mình. Công tác tự bồi dưỡng chưa đạt hiệu quả cao vì giáo viên chưa xác định được động cơ, bồi dưỡng mới chỉ xác định để lấy chứng chỉ. Giáo viên cũng không có nhiều thời gian để tự học. Ông Nguyễn Thanh Giang – Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thừa nhận tuyển được giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn rất khó.

Còn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định đối với việc tuyển mới, nhất thiết phải tuyển những người đã đạt yêu cầu. “Thời gian qua, chúng ta tuyển không đạt chuẩn, đến bây giờ “chữa mãi” không xong. Nên tuyển mới nhất định không có chuyện “du di”. Chưa đủ giáo viên cũng phải chấp nhận”, Thứ trưởng Hiển nói. Thứ hai, không có giáo viên thì không dạy. Vì trong Đề án ngoại ngữ 2020, Bộ GD-ĐT cũng đã đề cập vấn đề này. Thứ ba, đối với việc chuyển ngang giáo viên dạy từ chương trình cũ sang chương trình mới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ phải “bù dần” để nâng trình độ của giáo viên lên.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Thu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang – cho hay sở và tỉnh rất quyết tâm trong việc nâng chuẩn cho giáo viên. Tuy nhiên, đến năm 2020, nếu giáo viên được bồi dưỡng nhiều lần nhưng vẫn không đạt chuẩn thì sẽ phải nhận nhiệm vụ khác.

Nghiêm Huê

Bình luận (0)