Tôi và các đồng nghiệp không khỏi chạnh lòng khi đọc thông tin có khoảng 70% thí sinh đạt dưới 4 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Bởi vì môn tiếng Anh luôn được đầu tư trang thiết bị; luôn được các cấp từ bộ đến các sở quan tâm sâu sát, tổ chức tập huấn, hội thảo đổi mới cách dạy – cách học hầu như liên tục quanh năm… Có lẽ do con người, do trình độ dạy của giáo viên chăng? Hay do mặt bằng trình độ học sinh còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của bộ môn quan trọng này? Thực tế ở trường tôi thì rõ, các em học khá lệch, chỉ chăm chăm vào các môn toán, lý, hóa để thi ĐH; còn lại những bộ môn khác, trong đó có môn tiếng Anh, thì các em “âm thầm” bỏ rơi, không đầu tư, không rèn luyện, ôn luyện.
Nhiều lần sinh hoạt với học sinh, tôi đã cảnh báo: môn này môn khác, các em có thể bỏ nhưng với môn tiếng Anh, dứt khoát các em phải học vì đó là một chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa kiến thức mới lạ; rất cần thiết và rất bổ ích cho các em sau này. Nhưng buồn thay, các em vẫn thực hiện “3 không” (không nghe lời, không học, không ý kiến) với bộ môn.
Nguyên nhân sâu xa là do định hướng của gia đình, rằng trước mắt ôn luyện mấy môn thi khối A, B; việc học tiếng Anh sau này vào ĐH sẽ tính sau. Đúng như vậy, nhiều sinh viên bây giờ dù đã hoàn thành các môn ở ĐH nhưng do còn thiếu chứng chỉ tiếng Anh nên vẫn chưa tốt nghiệp ra trường.
Một nguyên nhân nữa là do đề thi môn tiếng Anh năm nay khó? Nếu thực sự khó thì điểm trên trung bình (5-6 điểm) cũng có thể đạt trong sự phân hóa của đề, nhưng ở đây là số lượng điểm dưới trung bình khá cao. Một bộ môn rất cần thiết trong thời hội nhập mà kết quả như thế này thì thử hỏi chúng ta “hội nhập” với ai?
Môn văn cũng bị bỏ rơi vì theo các em, bài văn viết nhăng viết cuội dăm bảy dòng cũng đạt 1,5 điểm – đủ điểm xét tốt nghiệp, không bị liệt là được. Đã từng có ý kiến môn văn phải bắt buộc đạt điểm 5 trở lên mới xét tốt nghiệp nhưng vì sợ học sinh cả nước rớt nên người ta không nhắc tới. Các em đâu biết rằng, các bộ môn đều có mối quan hệ qua lại với nhau. Học tốt môn văn thì các em sẽ có vốn từ ngữ diễn đạt, vốn ngữ pháp để viết đúng chuẩn. Từ đó, nó hỗ trợ qua lại cho bộ môn tiếng Anh rất nhiều trong quá trình học.
Việc học lệch, việc “toàn dân định hướng việc học” của các em như trên và phương pháp dạy, phương pháp học bộ môn tiếng Anh cần được xem xét nghiêm túc, trách nhiệm để đưa bộ môn này xứng đáng với tầm vóc của nó trong quá trình hội nhập hiện nay.
Trường Sa Đông
Bình luận (0)