Học sinh Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM) trong tiết học môn lịch sử. Ảnh: Anh Khôi |
Theo tôi, số học sinh yêu thích môn lịch sử, đam mê và theo đuổi ngành nghề liên quan đến môn này tuy ít nhưng điều đó có nghĩa là môn lịch sử vẫn chưa bị bỏ rơi. Còn vấn đề học sinh không thích học môn lịch sử vì nhiều lí do (chương trình, kiến thức nhiều, phải học thuộc nhiều, cách dạy của thầy cô…). Song, có lẽ lí do lớn nhất mà các em không thích học là từ người dạy. Giống như một em học sinh đã chia sẻ trên một tờ báo: “Từ trước đến nay, việc đứng lớp của thầy cô dạy lịch sử đã quá bám sát những con chữ khô khan trong sách giáo khoa. Nhưng thầy cô đã quên một điều: việc chạy bài để kịp với chương trình và chép bài đầy đủ liệu có phải là quan trọng hơn tình yêu của các em dành cho đất nước, cho môn lịch sử?”. Đọc những dòng chữ ấy, các giáo viên dạy lịch sử nói riêng và những thầy cô, cán bộ trong ngành giáo dục cũng cần phải suy nghĩ. Cũng chính vì thế mà em lại đặt ra tiếp một câu hỏi lớn khác: “Có những giáo viên khi đứng lớp, ngọn lửa nghề bên trong họ vẫn chưa bùng cháy, vậy thì làm sao có thể truyền tải được sự đam mê môn học cho học sinh. Như vậy, tại sao những giáo sư, tiến sĩ của bộ môn này lại bảo học sinh phải yêu môn sử, khi chúng em không biết bắt đầu từ đâu?”. Thử hỏi, ngọn lửa nghề của người thầy không bùng cháy thì làm sao thắp ngọn lửa đam mê cho học trò? Phải chăng thầy cô cũng ngại sáng tạo trong cách dạy sử của mình vì sợ không bám sát chương trình?…
Môn lịch sử không hề đáng chán. Chỉ vì chương trình, kiến thức, cách học vẹt, cách truyền đạt khô khan và thêm vào đó là vị trí xã hội của môn này đang bị xem nhẹ nên kết quả dẫn đến đa phần học sinh chán học. Ba năm trở lại đây, khi lịch sử là môn tự chọn thì số thí sinh chọn môn này thấp nhất (thấp hơn hẳn các môn khác) nên nhiều hội đồng thi vào buổi thi môn lịch sử rất “đìu hiu”. Có nơi chỉ có một thí sinh thi, có nơi không có thí sinh nào. Thậm chí nhiều trường không có thí sinh nào chọn môn lịch sử để thi. Những điều đó thật dễ hiểu.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, nội dung thi môn lịch sử đã đổi mới đáng kể (đề gợi mở chứ không phải học thuộc như trước), thế nhưng bước đầu chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, ở nhiều địa phương số học sinh đăng kí môn thi này vẫn không có gì thay đổi, nhiều trường vẫn không có học sinh nào đăng kí.
Lịch sử của dân tộc luôn luôn cần thiết cho mọi thời đại, là niềm tự hào và kiêu hãnh của mỗi con người Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta không đổi mới chương trình, không đổi mới cách dạy và cách thi thì e rằng, môn lịch sử sẽ ngày càng bị học sinh quay lưng. Với kiến thức hàn lâm, nặng nề; cách dạy máy móc thì khác nào tra tấn học sinh.
Thái Hoàng
(Giáo viên Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)
Bình luận (0)