Lý do của việc bác bỏ đề xuất tăng lương giáo viên (GV) được Bộ Nội vụ đưa ra là hiện nay GV đang được hưởng quá nhiều ưu đãi của Nhà nước dành cho nghề, từ trợ cấp thâm niên đến những phụ cấp đứng lớp, phụ cấp về vùng miền.
Để có cái nhìn thấu đáo về những mức ưu đãi dành cho GV, Giáo dục TP.HCM đã trao đổi với một số thầy cô giáo đã và đang phải sống với nghề.
Mức lương GV khởi điểm phải là 10 triệu đồng
“Tôi vẫn nói đùa với các đồng nghiệp rằng, khi nào mức lương GV khởi điểm là 10 triệu đồng thì lúc đó, người GV mới có thể bớt nặng gánh, bớt những “toan lo mưu sinh cơm áo hàng ngày” để phần nào thảnh thơi chuyên tâm vào công việc”, thầy Trần Minh Thùy (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Hóc Môn) chia sẻ.
Thầy Thùy đưa ra những dẫn chứng rằng với mức lương khởi điểm như thế, những người giỏi mới có “ham muốn” vào nghề sư phạm. Còn những GV đang công tác trong nghề mới không bị áp lực về tiền bạc, phải dạy thêm, phải làm thêm để tăng thu nhập. “Khi một GV trẻ lập gia đình, có con nhỏ, với mức lương tối thiểu như vậy người ta mới có thể mạnh dạn thuê người chăm con để đi làm, mới có thể trả được tiền thuê nhà, trang trải những sinh hoạt của cả một gia đình. Và đặc biệt là không vì áp lực cuộc sống mà ảnh hưởng đến chất lượng dạy”, thầy Thùy nói.
Nhìn vào thực tế, thầy Thùy cho biết đối với GV huyện ngoại thành như Hóc Môn, để được hưởng 700 ngàn đồng phụ cấp vùng sâu vùng xa thì cũng chỉ một số xã được thôi chứ không phải toàn bộ huyện. Nếu một GV mới ra trường, tính cả 700 ngàn đồng phụ cấp thì mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng, có lẽ “khéo ăn mới no được”. Nhà trường cũng cố gắng để tăng thu nhập chính đáng cho GV bằng những giờ dạy buổi 2. Tuy nhiên, cũng chỉ có một số GV bộ môn toán, văn, tiếng Anh, lý, hóa…
GV dạy trẻ chuyên biệt rất vất vả, còn lương thì…
Dấu ba chấm của người viết thay cho tiếng thở dài của thầy Lê Thái Minh Hầu (nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Q.5). Là một trong những nhà giáo đầu tiên tiên phong đưa mô hình giáo dục đặc biệt vào trường tiểu học, hơn ai hết thầy Hầu hiểu rõ nhất những “vất vả không lời” của người GV phải “gồng gánh” hành trình này. Theo thầy Hầu, GV dạy trẻ chuyên biệt không chỉ phải dạy về kiến thức mà còn phải dạy trẻ “từng ly từng tý” về vận động, sinh hoạt hằng ngày; phải kiên nhẫn, dịu dàng, thậm chí là kiên nhẫn, dịu dàng một cách tối đa. Tức là, cũng với một bài học chữ đó, thay vì chỉ dạy 1-2 buổi trẻ bình thường đã có thể hiểu thì GV trường chuyên biệt phải “ê a” trong nhiều buổi. “Công việc không đơn thuần chỉ là GV tiểu học dạy trẻ từng con chữ. Nó vất vả và áp lực gấp đôi, gấp ba thậm chí nhiều lần so với bình thường, với những giáo án khác, phương pháp giáo dục can thiệp khác. Nhưng hiện tại, GV dạy trẻ chuyên biệt chỉ được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 70% mức lương hiện hưởng, thay vì 35% của GV tiểu học. Bên cạnh đó, hưởng thêm phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 mức lương tối thiểu”, thầy Hầu cho biết.
Tức là, một GV dạy trẻ chuyên biệt mới ra trường sẽ có mức lương khoảng trên 4 triệu đồng/tháng. “Thử tưởng tượng, nếu phải vật lộn với trẻ “không như bình thường” cả ngày với mức lương như thế, bạn có dám làm không?”, thầy Hầu đặt câu hỏi.
Y.Hoa
Bình luận (0)