Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phản hồi bài Một góc nhìn về việc dạy thêm, học thêm (ngày 17-6): Nỗi khổ học thêm

Tạp Chí Giáo Dục

Đến bao giờ sẽ hết nỗi khổ học thêm? Đó là một câu hỏi lớn. Câu hỏi lớn ấy ai là người đáp? Ngành GD-ĐT, ban giám hiệu, thầy cô giáo, phụ huynh hay học sinh? Một đối tượng hay nhiều đối tượng cần trả lời? Và điều chắc chắn rằng, nỗi khổ học thêm không phải từ học sinh. Vì nếu các em có được quyền tự quyết định học thêm, khi có nhu cầu học các em sẽ đăng kí, đến khi thấy “oải” thì tự nghỉ. Nếu việc học thêm chính đáng: học sinh quá yếu nên cần bồi dưỡng thêm thì không có gì bàn cãi. Thế nhưng, bao lâu nay, học thêm vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều đối tượng, nhất là những cô cậu học sinh tuổi còn nhỏ. Những người thầy hết mình vì học sinh thân yêu cũng ái ngại trước cảnh học thêm, học quá nặng của các em.

Đối với học sinh đầu cấp, cứ vào mùa tựu trường, học thêm trở thành cơn ác mộng kéo dài. Và việc phụ huynh được mời gặp giáo viên chủ nhiệm vào những ngày đầu năm hay kỳ họp phụ huynh đầu năm là điều dễ hiểu. Phụ huynh sẽ được nghe giáo viên “than” việc học yếu, chậm của con em mình ngoài các lý do còn có mục đích vận động học thêm. Em nào không học thì được đưa vào “tầm ngắm” trả bài liên tục.

Tội nghiệp cho học sinh. Ngày học hai buổi ở lớp, vừa tan trường đã phải ăn vội miếng bánh mì rồi được bố mẹ chở đến nhà thầy cô học cho tới 7 giờ – 8 giờ đêm mới về nhà. Bởi vậy, những hình ảnh tội nghiệp của những cô cậu học sinh dễ dàng nhìn thấy trên đường phố: sáng đến trường ngủ “thêm” trên lưng ba mẹ, cầm sách học… đường, “bàn ăn, gối ngủ” là lưng bố mẹ.

Học sinh các cấp gần như bơ phờ vì việc học. Học để rồi nền giáo dục Việt Nam vẫn tụt hậu bởi lối học vẹt mà thiếu nhiều thứ khác, thua kém nhiều mặt khác so với các nước trong khu vực; chưa nói là tụt hậu quá lớn so với nền giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới. Một số cái mất do chỉ biết học tối ngày dễ nhận thấy là tỉ lệ học sinh cận thị cao, trầm cảm gia tăng, thiếu kỹ năng sống, thể chất thua kém, bạo lực học đường phổ biến…

Có biết bao học sinh phải thức đến 12 giờ đêm học bài, sáng mai 4 giờ – 5 giờ sáng đã phải dậy ôn bài? Tuy không làm bài toán thống kê nhưng cũng dễ dàng biết rằng, con số đó không nhỏ chút nào. Để rồi không chỉ học sinh học mà cả người thân như ông bà, cha mẹ cùng học với con cháu mình.

Nỗi khổ học thêm. Đừng để một câu hỏi lớn không ai đáp lại đè nặng vào thế hệ trẻ, để rồi đất nước càng tụt hậu bởi thế hệ trẻ biết học mà ít biết hành. Chương trình học quá nặng, bất hợp lí; thầy cô cần tăng thu nhập vì đồng lương không đủ sống; phụ huynh hám danh con học giỏi, đó là ba lí do chính đè nặng lên học sinh. Những lí do ấy cần được giải quyết sớm thì may chăng nền giáo dục có lối đi mới. Không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ. Cần dứt bỏ lối giáo dục theo kiểu mụ mị như thế này càng sớm càng tốt.

Hoàng Thái

Bình luận (0)