Chuyển từ đánh giá bằng điểm sang đánh giá nhận xét ở ba môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục chưa hẳn đã có lợi cho GV và HS. Ảnh: D.B |
Sau bài viết “Bỏ cho điểm môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục – phụ huynh băn khoăn, lo lắng”, Giáo Dục TP.HCM nhận được nhiều ý kiến phản hồi của giáo viên (GV) về những khó khăn khi chuyển từ cho điểm sang nhận xét HS bậc THCS và THPT.
Cô Lê Hoàng Nga – GV môn mỹ thuật Trường THCS Lam Sơn (Q.Bình Thạnh): Học sinh bị rơi vào loại yếu khá nhiều
Hầu hết GV cho rằng, đánh giá bằng nhận xét chưa hẳn đã có lợi cho học sinh (HS). Thí dụ như ở môn mỹ thuật, năm nay HS trường chúng tôi bị rơi vào loại yếu khá nhiều so với những năm học trước bởi theo văn bản quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, nếu có 2/3 số bài thi rơi vào loại yếu thì dù HS có hai điểm giỏi và hai điểm yếu cũng rơi vào loại yếu. Với kết quả này, nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập chung của HS bởi một khi môn mỹ thuật bị loại yếu sẽ kéo kết quả học tập chung xuống một bậc, từ giỏi xuống khá hoặc từ khá xuống trung bình.
Bên cạnh đó, một điều chúng tôi còn lo ngại là sang học kỳ 2, thay vì xếp loại giỏi, khá, trung bình, yếu và kém thì các em được xếp theo hai mức là đạt và không đạt. Một số em cố gắng làm bài thật đẹp sẽ cảm thấy công sức mình bỏ ra không xứng đáng. Vì thế, việc đánh giá như thế này sẽ đánh đồng giữa HS giỏi và HS bình thường nên không ghi nhận được sự cố gắng của các em, từ đó dẫn đến việc HS học chỉ đủ để đạt yêu cầu, thiếu sự cố gắng. Để giải quyết vấn đề này có lẽ phụ thuộc vào sự cống hiến hết mình, bản lĩnh của người thầy đứng lớp để làm sao học trò cảm thấy yêu thích môn học mà tự cố gắng, rèn luyện hơn.
Thầy Nguyễn Chí Tuấn – GV môn thể dục Trường THCS Lam Sơn (Q.Bình Thạnh): GV còn lúng túng khi đánh giá
Đây là năm đầu tiên chuyển từ đánh giá bằng điểm qua đánh giá bằng nhận xét nên nhiều GV, đặc biệt là GV trẻ lúng túng khi đánh giá xếp loại cho HS. Chẳng hạn, đa số GV lấy điểm 9-10 quy thành loại giỏi, điểm 7-8 quy thành loại khá nhưng một số GV lại có cách nhìn nhận khác nên họ không làm theo cách này.
Gần đây Sở GD-ĐT TP.HCM có công văn thay đổi cách xếp loại ở ba môn âm nhạc, mỹ thuật và thể dục nên GV gặp nhiều trở ngại trong việc thu xếp thời gian. Chẳng hạn như, trong văn bản đầu tiên Sở GD-ĐT yêu cầu muốn đạt loại giỏi, HS phải có 2/3 số bài kiểm tra đạt loại giỏi, trong đó bài kiểm tra học kỳ phải đạt loại giỏi. Nếu đánh giá theo cách này, HS có 5 bài kiểm tra thì dù 4 bài đạt loại giỏi nhưng bài kiểm tra học kỳ chỉ trung bình, HS cũng bị xếp loại chung là trung bình. Kết quả này, thực sự không công nhận các bài kiểm tra HS đạt loại giỏi từ trước. Nhận thấy sự bất cập này, khi kiểm tra học kỳ 1 xong chúng tôi lại nhận được công văn của Sở GD-ĐT là vẫn xếp loại như cũ, HS muốn đạt loại giỏi phải có 2/3 số bài kiểm tra đạt loại giỏi nhưng bỏ yêu cầu bài thi học kỳ ra. Điều này có lợi cho HS nhưng GV vất vả thêm một lần nữa khi đánh giá lại cách xếp loại cho HS. Do đó, chúng tôi thấy đánh giá bằng điểm sẽ ít bất cập hơn cho cách làm việc của GV bởi khi có điểm hệ số 1, số 2 và bài thi học kỳ, GV chỉ cần đưa vào máy tính để tính ra điểm học lực theo công thức còn xếp theo nhận xét thì không có công thức nào.
Ngoài ra GV và HS cũng gặp một số bất lợi khi đánh giá bằng nhận xét. Nếu tính bằng điểm, ba môn âm nhạc, mỹ thuật và thể dục có điểm số cao, khi tính điểm chung sẽ kéo các môn khác lên, còn hiện nay khi đánh giá bằng nhận xét chỉ có kéo kết quả học tập chung xuống chứ không thể kéo điểm lên cho HS.
Dương Bình (ghi)
Bình luận (0)