Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phản hồi bài viết Đồng phục không làm nên chất lượng HS: Tránh gây áp lực cho phụ huynh

Tạp Chí Giáo Dục

Đồng phục đơn giản, gọn gàng vẫn toát lên được tác phong của học sinh
Chỉ nên quy định một màu đơn giản, tránh việc thu tiền đồng phục dồn một lúc vào đầu năm học… Đó là ý kiến của nhiều hiệu trưởng tại các trường cũng như phụ huynh HS sau khi Giáo Dục TP.HCM đăng bài Đồng phục không làm nên chất lượng HS (ngày 13-9).
Tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Q.4, TP.HCM), các em HS mặc áo trắng và quần xanh, quần áo thể dục cũng xuyên suốt một màu, kiểu cách đơn giản, không rườm rà. Nếu phụ huynh không ưng ý chất lượng vải hay giá cả thì không nhất thiết phải mua trong trường. Suốt nhiều năm nay quy định này vẫn không thay đổi. Thầy Đặng Văn An, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Quy định cầu kỳ sẽ làm khó phụ huynh bởi như vậy thì phụ huynh khó có thể tìm kiếm đúng loại ngoài thị trường, trong khi không phải ai cũng muốn mua trong trường”.
Theo thầy An, khi mặc lên người một bộ đồng phục, điều đó thể hiện rất nhiều ý nghĩa: Tính thẩm mĩ, tính kỷ luật, tác phong trong môi trường giáo dục. Và thể hiện sắc thái bình đẳng như nhau, xóa đi ranh giới giữa HS giàu – nghèo trong nhà trường. Theo đó yêu cầu đồng phục cần phù hợp với từng đối tượng, từng ngành nghề và không nên thay đổi. Khi ra ngoài xã hội, mọi người biết đó là HS hay là người đã đi làm… Đơn cử như sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có một loại đồng phục, và khác với sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Phân biệt được điều này là do lâu nay các trường này đã có quy định cụ thể và xuyên suốt. HS phổ thông cũng vậy, cũng cần có đồng phục. Ra ngoài xã hội, mọi người biết đến, dễ kiểm soát các hành động của các em. Vì thế việc quy định mặc đồng phục là nên có. Tuy nhiên, quan trọng là cách làm của nhà trường như thế nào để tạo nên nề nếp. Cần quy định ngay từ đầu và không nên thay đổi.
Nhà trường cũng không nên yêu cầu HS nữ mặc đồng phục váy vì các em dễ gặp sự hớ hênh trong các hoạt động, có thể gây nguy hiểm cho các em…
Đồng tình với quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Quyền (Q.3), cho biết: “Trường học nào cũng có HS thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ phải đi làm thuê, làm mướn trang trải kinh tế gia đình. Với quy định đơn giản về đồng phục, nếu phụ huynh không muốn mua trong trường thì có thể ra ngoài thị trường tìm mua với giá thành rẻ hơn cũng được. Ngược lại, đưa ra kiểu đồng phục rườm rà chi tiết, phụ huynh khó tìm ngoài thị trường, đồng nghĩa với việc miễn cưỡng mua trong trường. Như thế là không nên vì sẽ gây khó khăn cho phụ huynh”.
Trong khi đó, ở vai trò là một phụ huynh, chị Đinh Thanh Chúc (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) chia sẻ: “Gia đình tôi có hai con học tiểu học. Cứ mỗi đầu năm học, tôi tiết kiệm hết sức các khoản chi tiêu đồng phục, giày dép, cặp xách cho các con nhưng năm nào cũng mất gần 5 triệu đồng. Với những gia đình có đông con thì khoản chi này còn cao hơn. Tôi xin đưa ra ví dụ: Một trường bắt HS phải mua 3 loại quần áo: Thể dục, bán trú và quần áo lên lớp học, giá khoảng 200.000 đồng/bộ. Trong khi đó, HS không thể nào dùng một bộ với mỗi loại, vì việc học xuyên suốt trong một tuần, rồi trời mưa, nắng… Tính ra một loại phải có ít nhất hai bộ. Nhân lên thì mỗi HS phải có ít nhất 6 bộ, mất khoảng 1,2 triệu đồng, rồi tiền các khoản khác, rất tốn kém”.
Chị Chúc cho biết thêm: “Đồng phục thể hiện nề nếp, tác phong HS của một ngôi trường. Tuy nhiên, khi đưa ra quy định đồng phục thì lãnh đạo nhà trường phải đánh giá được trường mình là trường gì để làm cho phù hợp. Một trường nghèo thì không thể chạy theo một trường giàu được. Thiết nghĩ chỉ cần một loại đồng phục lên lớp, một loại đồng phục thể dục với màu sắc đồng nhất và kèm theo logo nhà trường là được. Như thế HS vẫn có thể tận dụng mặc cho năm sau. Khi thực hiện, không nên thu tiền tập trung vào đầu năm, cần phân rải ra các tháng để giảm gánh nặng chi tiêu đầu năm cho phụ huynh. Ngoài ra nhà trường cũng không nên yêu cầu HS nữ mặc đồng phục váy vì các em dễ gặp sự hớ hênh trong các hoạt động, có thể gây nguy hiểm cho các em…”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Đồng phục cần đơn giản, gọn gàng
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Hiện nay chưa có một quy định nào gọi là bắt buộc các trường phải có đồng phục cho HS. Tuy nhiên không có nghĩa là các trường không thể thực hiện vì việc mặc đồng phục sẽ tạo ra tác phong HS, nề nếp cho nhà trường.  Việc thực hiện cần đơn giản, gọn gàng, phù hợp đời sống HS. Không nhất thiết phải cầu kỳ hay phức tạp như nhiều kiểu loại khác nhau. Vì như thế sẽ gây khó khăn cho phụ huynh. Khi nhà trường thực hiện việc quy định đồng phục cần phải trao đổi với phụ huynh, đặc biệt là tránh gây áp lực. Nếu trường nào làm quá thì lãnh đạo các phòng GD-ĐT quận/huyện cần chấn chỉnh ngay. Nặng hơn thì phải nhận hình thức kỷ luật”.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)