Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phản hồi bài viết “Gương phản chiếu” từ người thầy: Kiềm chế luôn là bài học lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Ai cũng biết, một giáo viên (GV) hàng ngày tiếp xúc cả trăm học sinh (HS), mà trăm HS ấy là chừng đó cá tính với nhân cách chưa hoàn chỉnh quả là áp lực lớn. Tuy vậy, không thể viện lý do trên mà có thể hành xử thiếu chuẩn mực. Người GV lại càng phải hiểu rằng kiềm chế bản thân và ứng xử chuẩn mực luôn là bài học lớn cần học thuộc nằm lòng và vận dụng linh hoạt.

Đầu năm học vừa qua, trong tiết dạy một lớp 7 nổi tiếng trong trường là quậy phá GV. Mặc dù luôn chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng kiềm chế nhưng chính bản thân tôi đã vượt qua giới hạn “lằn ranh đỏ”. Khi đánh HS tôi cũng rất lý trí nên cầm thước đánh vào mông. Tuy vậy, đã quá muộn để bao biện… Bất kì, GV hay phụ huynh đều không thể nào chấp nhận hành vi này, và đều có thể dùng một vài lời chê trách đối với tôi. Song, không thừa chút nào khi tôi gợi lại sự việc này, vì sau khi gia đình em HS đó kiện lên nhà trường và phòng GD-ĐT cũng như báo chí phản ánh, thì còn thêm nhiều trường hợp GV quá tay dẫn đến thương tổn cho HS, gây nhiều lo lắng cho gia đình các em, gây bức xúc trong dư luận, mất đi hình ảnh người thầy và ngành giáo dục.

Sau khi họp kiểm điểm, tôi đã phải chịu hình thức kỷ luật thích đáng. Có rất nhiều bài học bản thân được đúc rút, sự việc trên đã trở thành nỗi chiêm nghiệm trong đời tôi. Bao nhiêu mất mát được chỉ rõ. Cái mất dễ nhận thấy là, trước mặt HS tỏ ra sợ GV còn sau lưng thì các em không phục cách hành xử đó, phụ huynh không có thiện cảm với GV, không tôn trọng GV… Cái mất sâu hơn là hình ảnh người thầy phai nhạt, những sang chấn tâm lý xuất hiện ở trẻ bị đòn roi, lệch lạc trong phát triển nhân cách lúc trẻ đương tiếp nhận chưa chọn lọc, “thị phạm” hành động “bạo lực” của người thầy gây nên một thái độ sống lầm lạc ưa sức mạnh của “kẻ lớn”, nền giáo dục thiếu tình thương…

Phải thú nhận rằng, can đảm lắm tôi nói ra điều này vì nó chẳng tốt đẹp gì, nhưng thiển nghĩ xem đây như lời nhắc nhở bản thân khi chuẩn bị bước vào năm học mới và như “sợi dây cương” giúp đồng nghiệp suy nghĩ lúc giơ tay sửa dạy học trò.

Y.Hân (TP.HCM)

Bình luận (0)