Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phản hồi bài viết Học sinh vào facebook làm gì? (Giáo dục TP.HCM ngày 31-7)

Tạp Chí Giáo Dục

Thách thức của thời đại

Thời gian gần đây, nhiều giáo viên và phụ huynh than phiền về chuyện học sinh suốt ngày dán mắt vào facebook. Đặc biệt là những giáo viên và phụ huynh lớn tuổi không hiểu “trên đó” có gì mà hấp dẫn như vậy. Khi được những người trẻ hướng dẫn thì người lớn cũng đã hình dung và nắm bắt phần nào của mạng xã hội. Nhưng hình như mọi thứ vượt quá khả năng hiểu biết về mặt tích cực, thêm vào đó là những mặt trái mà xã hội bắt buộc phải thích ứng và có nhiều đối sách, phương pháp phù hợp để “cùng chung sống”.

Đứng ở quan điểm nhà giáo (tôi là giáo viên THCS tại TP.HCM), tôi nghĩ các giáo viên cần học cách nói chuyện với học sinh của mình (can đảm nói mọi thứ) về những hình ảnh, clip thô tục, đồi trụy tràn lan trên facebook. Chỉ có gần gũi và thường xuyên trao đổi với học sinh các nội dung mà các em quan tâm thì giáo viên mới hiểu học trò mình. Đây chính là thách thức thời đại và trách nhiệm của giáo viên hôm nay. Kỹ năng công nghệ, khả năng tiếp cận thông tin cho phép người giáo viên (nhất là giáo viên trẻ) sàng lọc thông tin, có trình độ nhận định mỗi xu hướng hay trào lưu của giới trẻ. Tiếp nhận cái gì, tiếp nhận ở mức độ nào, cái gì nên hay không là sứ mạng mới của giáo viên hiện tại.

Ở nhà phụ huynh không nên quá hốt hoảng hay nói nặng lời với con. Bình tĩnh, nhỏ nhẹ nói chuyện, tìm hiểu lý do, cùng con lý giải các thông tin. Cùng đánh giá tác hại của hình ảnh, clip về mặt tích cực cũng như tiêu cực, bởi mọi sự vật hiện tượng đều có tính hai mặt cả. Bên cạnh đó, phụ huynh phải hướng dẫn con những thủ thuật, cách cài đặt nhằm hạn chế “rác” trên facebook của con (nếu có). Tất cả đều phải học, và nhất thiết phụ huynh phải học trước thì mới cùng nói chuyện với con.

Thanh Minh 

Bình luận (0)