Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phản hồi bài viết Nợ học phí, nhiều học sinh bị đuổi ra khỏi phòng thi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sao nỡ đối xử với học sinh như thế?
Là một thầy giáo, tôi vô cùng bức xúc và đau lòng trước cách xử lí đuổi hàng chục học sinh (HS) ra khỏi phòng thi chỉ vì lí do các em chưa đóng học phí, trong khi ba mẹ các em không hề hay biết gì về chuyện đó. Tôi không phê bình chủ trương thu đúng, thu đủ học phí của nhà trường nhằm đảm bảo nguồn thu, trang trải các chi phí theo quy định, hay tạo sự công bằng trong việc thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ của người học đối với nhà trường. Thế nhưng, qua trả lời của thầy Nguyễn Thanh Tuấn (Hiệu trưởng Trường THCS Nhuận Đức) thì rõ ràng khó thuyết phục, nếu không muốn nói đây là cách làm không mang tác dụng giáo dục, rõ là chủ trương “sai quy chế” như nhận định của Trưởng phòng GD-ĐT Củ Chi Lê Hùng Sen khi làm việc với Trường THCS Nhuận Đức. Như vậy, đây đâu phải là “chủ trương của ngành” như cách giải thích của thầy hiệu trưởng Tuấn. Còn nếu thầy Tuấn bảo nhằm mục đích “tạo công bằng xã hội, để HS biết, phụ huynh nào làm tốt nghĩa vụ đóng học phí thì con em họ được hưởng quyền lợi. Phải cho các em thấy sự khác nhau giữa người đóng học phí và người chưa đóng học phí” thì quả thực không thuyết phục chút nào. Bởi lẽ, thứ nhất, hầu hết phụ huynh của các em không hề hay biết một thông tin chính thức nào. Lẽ ra, chí ít nhà trường hoặc giáo viên chủ nhiệm cũng cần có động thái trao đổi với phụ huynh về việc này trước khi có bất kì một quyết định nào đối với các em. Thứ hai, các em còn quá thơ dại (lớp 6 và lớp 7) thì có đủ suy nghĩ để nhận biết đúng đắn bản chất vấn đề không? Hay nhà trường làm như thế vô tình gây ra tâm lí hoang mang, mặc cảm; rồi bạn bè sẽ nhìn các em này ra sao khi các em bị cấm thi ngay trước mặt tập thể? Liệu các em có còn đủ bản lĩnh (rất non trẻ và dễ tổn thương) để tiếp tục thi đợt 2, tiếp tục đến trường? Tôi còn nghĩ tới khía cạnh khác, có em nào trong số ấy có hoàn cảnh gì đó đặc biệt không? Cũng mong là đừng có, nếu có hoàn cảnh đặc biệt mà nhà trường không phát hiện để giúp đỡ động viên mà quyết định đuổi khỏi phòng thi thì đau lòng biết chừng nào! Ở đây, tôi nghĩ nhiều đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp và bài toán quản lí điều hành, cân nhắc tình lí của ban giám hiệu khi đưa ra quyết định sai trái này. Điều đó càng đáng lo lắng hơn nữa trong điều kiện hoàn cảnh các em HS ở một địa phương mà đời sống bà con nhân dân còn lắm khó khăn, được liệt vào danh sách xã khó khăn của thành phố, cả huyện đang ra sức phổ cập giáo dục các cấp nhằm giúp các em trong độ tuổi có điều kiện tiếp cận với trình độ kiến thức tối thiểu bậc phổ thông.
Không thể chấp nhận được

Là độc giả lâu năm của báo, sau khi đọc bài “Nợ học phí, nhiều học sinh bị đuổi ra khỏi phòng thi” số ra ngày 8-5-2009, tôi và nhiều phụ huynh khác rất bất bình về việc xử lý của Hiệu trưởng Trường THCS Nhuận Đức (Củ Chi). Đây là việc làm không thể để diễn ra trong môi trường giáo dục của nước ta.
Các em học sinh không có lỗi gì về việc chậm đóng học phí. Theo tôi, tại sao ở các sổ liên lạc giữa nhà trường và gia đình đều có số ĐT liên lạc hoặc địa chỉ mà thầy cô giáo chủ nhiệm không liên hệ trực tiếp với gia đình? Hoặc theo lời đề nghị của phụ huynh em Phạm Hữu Thiện lớp 6A1 thì cứ cho các em thi, sau đó chờ đóng tiền học phí rồi mới chấm bài.
Bản thân tôi là công nhân viên nhà nước, không phải lúc nào cũng có tiền sẵn và cũng thường xuyên đi công tác (giống như ông Lâm Văn Chụp) nên việc đóng trễ học phí đã có xảy ra. Nhà trường phải hiểu cho phụ huynh, ai cũng muốn có con chữ cho con cái nên sẵn sàng chịu cực khổ kiếm tiền lo cho con ăn học.
Việc làm của ông Hiệu trưởng Trường Nhuận Đức mặc dù đã thanh minh đây chỉ là phạt cấm thi ở môn mà nhà trường được phép tự soạn đề thi để phụ huynh lo đóng học phí đầy đủ. Theo tôi, dù bất cứ môn nào, bất cứ lý do nào cũng đều không thể chấp nhận được vì sẽ tạo nhiều cú sốc đến tinh thần của các em học sinh, thứ nhất là sẽ hổ thẹn với bạn bè vì cha mẹ mình không có tiền đóng học phí, thứ hai là suy nghĩ nông cạn về nhà trường, về thầy cô giáo đã dạy mình. Thứ ba là không còn yêu thương gia đình của mình vì nghĩ rằng cha mẹ thiếu quan tâm chăm sóc em, như thế sẽ dẫn đến hậu quả mà chúng ta – những người lớn không thể nào tưởng tượng được.
Lâm Tuấn Kiệt và các phụ huynh khác
Viết đến đây, tôi chợt nghĩ đến và thầm cảm mến những tấm gương thầy cô giáo còn lắm khó khăn về đời sống nhưng vẫn trích tiền lương khiêm tốn của mình đóng học phí, mua sách tập, tặng quần áo cho HS nghèo; bớt khẩu phần ăn của mình nấu ăn cho các em ở xa nhà trên Tây Nguyên, Tây Bắc mà Báo Giáo Dục đã từng ghi nhận. Tôi còn được biết, có không ít thầy cô giáo chủ nhiệm quan tâm rất sát đến từng HS, đến nhà từng em để tìm hiểu hoàn cảnh và có hướng động viên phù hợp! Mong sao số đồng nghiệp như vậy ngày một nhiều hơn! Bởi lẽ, vai trò, trách nhiệm của thầy cô giáo và nhà trường đã được Luật giáo dục và các văn bản của Bộ GD-ĐT quy định rất rõ. Hơn thế nữa, cả xã hội và các bậc phụ huynh, các em HS rất tin tưởng ở nhà trường, ở thầy cô giáo. Chúng ta hãy cố gắng làm hết sức mình để xứng đáng với “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng cho mỗi thầy cô giáo.
Bản thân của giáo dục là coi trọng việc dạy người. Nghĩa là bằng nhiều nội dung và phương pháp giáo dục khác nhau tác động đến HS để giúp các em có đạo đức nhân cách tốt, trong sáng, có cái nhìn đúng đắn về con người, về xã hội và sự vận động của tự nhiên để từ đó hành động đúng đắn, sống tốt đẹp. Mọi nhà trường và nhà giáo dục đều luôn phải quan tâm đến điều đó. Tôi nghĩ, sai sót của trường có lẽ không do cố ý mà do sơ suất, chưa lường hết những hậu quả đằng sau quyết định của mình. Đây cũng là bài học chung cho các trường khác, nhất là trong quyết định của lãnh đạo các trường và của mỗi thầy cô giáo đối với HS. Làm sao để các em cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, để chủ trương xây dựng “Trường học thân thiện, HS tích cực” đi vào thực tiễn đúng với ý nghĩa của nó! Tôi tin rằng, mỗi thầy cô giáo tâm huyết, mỗi nhà trường bao dung đều yêu thương, quan tâm và chia sẻ, tạo điều kiện tốt nhất cho HS của mình đến trường. Đừng để những quyết định sai lầm làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự của thầy cô giáo, của trường học và toàn ngành giáo dục!
Nhà giáo THANH LIÊM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)