Khi nhận được thông báo của ban giám hiệu là sẽ có chuyên viên trên phòng GD-ĐT và giáo viên trường bạn xuống trường dự giờ một tiết dạy, giáo viên đứng lớp tỏ ra lo lắng, không hẳn vì cô thiếu năng lực, cũng không hẳn cô thiếu tự tin khi dạy trước cấp trên… Dù cô đã chuẩn bị mọi thứ cho tiết dạy đầy đủ từ giáo án, giáo cụ dạy học, tranh ảnh… từ đầu năm học. Nhưng tâm lý từ lâu của cô là phải hoàn hảo trong tiết dạy “biểu diễn” nên thường xuyên được lãnh đạo trường “gửi gắm” trách nhiệm… nhằm mang lại được nhận xét đánh giá tốt từ cấp phòng.
Trước vài ba ngày được chuyên viên dự giờ thì cô đã dạy thử (hay còn gọi là dạy nháp) trước lớp học mà hôm đó chuyên viên sẽ dự giờ. Cô bắt đầu phân công học sinh ai sẽ giơ tay phát biểu phần nào, ai sẽ giơ tay trả lời câu hỏi nào, cùng với đó bộ câu hỏi và trả lời soạn sẵn… Cô động viên học sinh: “Các em cứ giơ tay phát biểu hết, cô sẽ nhắm gọi bạn trả lời tốt!”, “Không hiểu các em cứ ngồi yên, không được gây rối mất trật tự”… Thế nên, tiết dạy “biểu diễn” rất thành công nhờ “đã nháp” mấy hôm trước đó. Mặc dù có nhiều học sinh giơ tay phát biểu, nhiều câu trả lời hay nhưng đó là một tiết học chán ngắt, thiếu sự sôi nổi, thiếu sự sáng tạo, đối ngược với sự năng động, thoải mái của cô và trò hằng ngày. Học sinh im lặng nghe cô giáo giảng mà mặt em nào cũng căng thẳng, có em toát cả mồ hôi khi ngồi gần nhóm giáo viên dự giờ. Kết thúc buổi dự giờ, chuyên viên góp ý nhẹ nhàng “thế là tiết học thành công, học sinh rất ngoan, nhưng quá căng thẳng và tôi nghĩ nó không đúng như thực tế thì phải!…”. Tôi nghĩ đó là một câu hỏi mở có trách nhiệm của vị chuyên viên này. Còn một học sinh thì nói “em hồi hộp lắm cô ơi, chỉ chăm chăm nhớ câu trả lời cô soạn sẵn trước, đến khi nào cô hỏi thì trả lời chứ đầu óc không tập trung cô ạ!”.
Chúng ta theo đuổi điều gì khi bước chân vào ngành giáo dục? Những bài học về sự trung thực mà bản thân mình “rao giảng” đâu rồi? Có ai tự vấn về điều đó trước nay không? Hay chúng ta đã bị “thuần hóa” bởi bệnh thành tích?
Việt Kiến Quốc
Bình luận (0)