Sự kiện giáo dụcTin tức

Phản hồi: Hết thời yoyo…

Tạp Chí Giáo Dục

Trên số báo 945 ngày 23-2, Giáo Dục TP.HCM có đăng bài: “Hội chứng yoyo tốt hay xấu?”. Sau một tuần, chúng tôi tới những địa chỉ đã nêu trong bài viết và nhận thấy yoyo không còn làm “điên đảo” học sinh như trước đây nữa…
Ảm đạm “thị trường”… yoyo
Vẫn với dòng chữ “Lớp huấn luyện kỹ năng biểu diễn yoyo” treo trước cửa nhưng những ngày này cửa hàng đồ chơi Funnyland (ngã tư Trương Định – Kỳ Đồng, Q.3) đã không còn cảnh chen lấn để mua yoyo như tuần trước. Một nhân viên bán hàng ở đây cho biết: “Trước đây, mỗi ngày bán cả trăm cái, nhất là ngày thứ bảy và chủ nhật – có hôm “cháy” hàng. Nhưng nay thì hoàn toàn ngược lại, lâu lâu mới có ông bố hay bà mẹ dẫn con ghé vào hỏi mua…”.
Hay như cửa hàng đồ chơi trẻ em Kim Thu gần cổng Trường Tiểu học Kỳ Đồng, Q.3 cũng vậy. Từ sau Tết, trước “cơn sốt” yoyo, bà chủ cửa hàng đã bày yoyo ra cả vỉa hè để bán. Hôm nào cũng vậy, cứ tan học là có cả chục học sinh của Trường Kỳ Đồng ghé vào mua hàng. Chiều 28-2, mặc dù là giờ tan học nhưng không có học sinh nào tới hỏi mua hàng. Và cái bàn bày yoyo ở vỉa hè cũng đã được chuyển vào trong cửa hàng.
Cùng chung cảnh “chợ chiều”, chiếc xe hàng rong bán yoyo trước cổng Trường Tiểu học Kỳ Đồng. Anh bán hàng cho biết: “Trước đây mỗi buổi chiều sau giờ tan học, tôi bán 3-4 chục cái. Nay mặc dù bán rẻ hơn 2-3 ngàn đồng/ cái nhưng cũng không bán được”. Quả đúng vậy, gần 20 phút đứng quan sát, chúng tôi ghi nhận chỉ có lác đác vài học sinh nữ tới mua kẹo bông chứ tuyệt nhiên không có em nào mua yoyo.
Hai người đàn ông bán đồ chơi trước cổng Trường Mầm non P.2 và Trường THCS Ngô Sĩ Liên (đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình) cũng ế khách. Thỉnh thoảng mới có phụ huynh ghé lại mua cho con quả bóng…
Khảo sát tại một số trường như THCS Lê Lợi, THCS Colette, Tiểu học Kỳ Đồng (Q.3), Tiểu học Nguyễn Đình Chính (Q.Phú Nhuận)…, chúng tôi nhận thấy số học sinh chơi yoyo trong giờ ra chơi và tan học đã giảm đáng kể. Một học sinh lớp 7 Trường THCS Lê Lợi cho biết: “Trong lớp con bây giờ có rất ít bạn chơi yoyo. Trước đây có tới 2/3 bạn trai trong lớp chơi yoyo, nay chỉ còn vài bạn”.
Học sinh không chơi nữa
Cô Lê Thị Bạch Tuyết – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương, Q.5 cho biết: “Có thể một phần do học sinh của Trường Chương Dương nghèo nên không có tiền mua yoyo vì vậy trò chơi này ít xuất hiện trong trường. Nói như vậy không có nghĩa là không có. Trước đây cũng có vài học sinh đem yoyo vào lớp chơi. Thấy vậy, trong giờ sinh hoạt dưới cờ, tổng phụ trách Đội đã nhắc nhở là không nên chơi. Những ngày gần đây, trong trường không còn bất kỳ học sinh nào chơi trò này nữa…”.
Tại Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (Q.Tân Bình), Trường Tiểu học Lương Định Của (Q.3)… giờ ra chơi, thư viện và những kệ sách lưu động đã thu hút sự quan tâm của học sinh vì thế học sinh ở đây cũng không màng tới cái yoyo nữa.
Cô Đỗ Thanh Thúy – Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, Q.Gò Vấp cũng cho biết: “Trước đây trong trường cũng có một số học sinh chơi yoyo. Mỗi khi thấy các em chơi, chúng tôi đã nhắc nhở phải cẩn thận vì cái cục nhựa tròn tròn có thể văng vào mặt, vào mắt các bạn đứng gần. Nhưng nay thì không thấy em nào chơi nữa. Thường thì mỗi khi phát hiện có trò chơi nào lạ và nguy hiểm là giám thị dẹp ngay. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra học cụ của học sinh, em nào đem trò chơi lạ là thu luôn. Để tạo môi trường học thân thiện, giờ ra chơi, nhà trường tổ chức cho các em chơi đá cầu, cờ tướng, cờ vua, banh đũa. Rồi tổ chức thi cấp trường, em nào đạt giải thì vào đội tuyển để đi thi cấp quận…”.
Hòa Triều

Bình luận (0)