Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phản hồi loạt bài “đưa môn bơi lội vào chính khóa”: Học bơi lội không khó

Tạp Chí Giáo Dục

Biết bơi sẽ giúp HS tránh được những tai nạn chết đuối (ảnh chụp tại CLB bơi lội Kỳ Đồng)
Ảnh: N.T

Bơi lội là một kỹ năng cần thiết đối với con người như kỹ năng đi, chạy nhảy… Các em biết bơi không những có thể bảo vệ an toàn cho bản thân khi xuống nước mà còn có sức khỏe, thể lực tốt. Theo tôi, muốn đưa bơi lội vào nhà trường không phải ngày một ngày hai mà đòi hỏi cả một quá trình. Tháng 5-2010, Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM đã ký liên tịch với Sở GD-ĐT TP.HCM về việc đưa môn bơi lội vào chương trình giáo dục thể chất như môn học chính thức. Tuy nhiên, hiện nay HS vẫn chưa tiếp cận với môn bơi lội một cách đồng đều vì các trường thiếu giáo viên chuyên môn, thiếu lực lượng cứu đuối hay việc phối hợp giảng dạy môn này giữa nhà trường và các hồ bơi (gần trường) còn tốn kém. Hiện khó khăn lớn nhất là thiếu hồ bơi. Khó khăn này không chỉ riêng ở các trường trên địa bàn thành phố mà còn trên cả nước, thậm chí nhiều nước trên thế giới đều vướng phải.

Trên thực tế, để xây hồ bơi đòi hỏi nhà trường phải có quỹ đất. Tìm được quỹ đất rồi phải đi xin kinh phí, chưa kể khi có hồ bơi thì liệu giáo viên giáo dục thể chất có dạy được hay không? có đầy đủ lực lượng cứu hộ giám sát không? Chính vì thế, trước mắt các trường nên mạnh dạn phối hợp với các hồ bơi thuộc trung tâm TDTT quận, huyện để tổ chức dạy bơi cho HS. Các hồ bơi này có đủ điều kiện về đội ngũ giáo viên chuyên môn, đội ngũ cứu hộ giám sát, cơ sở vật chất… Hiện nay toàn thành phố có khoảng hơn 10 hồ bơi trực thuộc Sở VH – TT&DL TP.HCM: tại quận 1 có CLB bơi lội Trần Văn Ơn, Yết Kiêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm; quận 3 có CLB bơi lội Kỳ Đồng, hồ bơi tại Cung Văn hóa Lao động; quận 11 có CLB bơi lội Phú Thọ; quận Bình Thạnh có CLB bơi lội Đại Đồng; quận Phú Nhuận có CLB bơi lội Rạch Miễu, Chi Lăng… Ở các nơi này, nhiều trường đã hợp đồng dạy bơi cho HS. Nếu như trường có giáo viên chuyên môn, nhân viên cứu hộ thì chỉ hợp đồng thuê hồ bơi, ngược lại các trường không có giáo viên chuyên môn thì hợp đồng toàn bộ đội ngũ giáo viên tại hồ bơi.
Theo tôi, trước khi các trường triển khai dạy bơi cho HS cần tính toán và công bố rõ ràng các khoản chi phí như tiền thuê xe đưa rước HS, tiền học phí, thuê đồ bơi… cho phụ huynh biết để dễ vận động họ. Tôi nghĩ những trường cách hồ bơi 1-2km hoàn toàn có thể thực hiện theo cách này. Việc phối hợp này sẽ tháo gỡ khó khăn trước mắt một cách hiệu quả nhất thay vì cứ trông chờ vào việc xây dựng hồ bơi. Như Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) lâu nay phối hợp với CLB bơi lội Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy bơi cho HS, kết quả là hàng năm có trên 90% HS biết bơi.
Mặt khác, nhà trường phải làm tốt công tác tư tưởng cho phụ huynh thấy được tầm quan trọng cũng như tác dụng của môn bơi lội. Từ đó phụ huynh mới chủ động, tạo điều kiện cho con em được học bơi.
Để nâng cao nhận thức của HS về tác dụng môn bơi lội, liên đoàn đã làm 5-6 tờ bướm và mong muốn phát đến tay HS một cách sớm nhất. Những tờ bướm này nói về tác dụng của môn bơi lội cũng như những nguyên tắc, kỹ năng tự cứu đuối khi xuống nước; không nên đi bơi một mình, đi bơi ở những hồ có bảng hiệu cảnh báo độ sâu…
Ngọc Trinh (ghi)
Chung Tấn Phong
(Tổng thư ký Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM)

Tôi muốn cho con đi học bơi, nhưng tôi lại sợ cháu bị cảm nắng, cảm nước và mắc phải các bệnh về da. Vậy tôi phải trang bị những gì để cháu được học bơi mà không bị bệnh?
Chị Đặng Thùy Linh
(Q.10, TP.HCM)
Ông Chung Tấn Phong – Tổng thư ký Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM: Thời gian trẻ xuống nước học bơi chỉ dao động từ 30 – 45 phút. Thời gian này không thể khiến trẻ bị cảm nắng, cảm nước mà ngược lại, trẻ được tiếp xúc với ánh nắng cũng là tiếp xúc với lượng vitamin D. Việc này tốt cho sức khỏe của trẻ. Trẻ chỉ có thể cảm nắng, cảm nước nếu như ngâm mình trong nước dưới thời tiết nắng nóng lâu hơn thời gian quy định của một tiết học. Trước khi được học bơi, trẻ phải được khám sức khỏe tổng quát. Nếu trẻ có dấu hiệu của bệnh động kinh, bệnh tim mạch hay các bệnh ngoài da thì gia đình nên điều trị dứt điểm trước khi cho trẻ học bơi. Việc làm này giúp đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng cho trẻ khi xuống nước.
 
Xây dựng trường mới cần phải có hạng mục hồ bơi
Theo tôi, ở lứa tuổi tiểu học nên cho HS làm quen với môn bơi lội. Tuy là vùng ngoại thành, có nhiều sông rạch nhưng ở quận 9, theo tôi biết, chưa có trường tiểu học nào có hồ bơi. Cụ thể, dù đang được ngành GD-ĐT đề nghị xét đạt chuẩn nhưng Trường Tiểu học Phước Long A cũng không có hồ bơi. Nếu có chương trình phổ cập môn bơi lội thì Trường Phước Long A cũng khó thực hiện vì cách xa Trung tâm Văn hóa quận, nơi có hồ bơi.
Tuy nhiên, không phải vì những khó khăn trên mà ngành GD-ĐT không đưa môn bơi lội vào trường học được. Trường Tiểu học Phước Long A đang có kế hoạch xây một hồ bơi trong trường, kinh phí vận động từ nguồn đóng góp của phụ huynh học sinh. Theo tôi, khi xây mới một ngôi trường – nhất là trường phấn đấu đạt chuẩn – tốt nhất nên có thêm hạng mục xây hồ bơi.
Thầy Huỳnh Anh Phúc
(Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Long A, Q.9, TP.HCM)
 
Trẻ em chết đuối ngày càng nhiều
Theo thống kê, từ tháng 8-2011 đến nay tại nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra hàng loạt trường hợp HS bị chết đuối rất thương tâm. Cụ thể, ngày 14-8, bốn em HS Nghiêm Văn Hưng (11 tuổi), Nghiêm Văn Huy (8 tuổi), Ngô Văn Hùng (12 tuổi) và Ngô Văn Hưng (7 tuổi) bị chết đuối tại hố nước nằm trong công trình dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc (Hà Nội); ngày 20-8, em Trần Viết Hoàng Lâm (13 tuổi) chết đuối tại khu vực khai thác đất đồi thuộc khu vực tổ 4, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng); ngày 22-8, bốn em nhỏ đã chết đuối ở một hồ nước bỏ hoang của dân trong bản Lũng Sắc, xã Tân Dương (Bảo Yên, Lào Cai); ngày 30-8, hai em Trần Văn Hải (12 tuổi) và Trần Văn Đăng (11 tuổi) ở thôn Lộc Khánh, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát (Bình Định) chết đuối vì tắm ao. Và mới đây, ngày 2-9, thêm sáu em nữ sinh (đều sinh năm 2000) học lớp 6 Trường THCS Tráng Việt, gồm: Nguyễn Thị Thơm, Vương Thị Hường, Trần Thị Huệ (xóm 6); Ngô Thị Hằng, Lê Thị Mai (xóm 8); Trần Thị Liên (xóm 7) thuộc xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) đã chết đuối khi đang bơi thuyền hái hoa bèo tây.
Được biết, mỗi năm cả nước có trên 6.000 trẻ em chết đuối, trong đó riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long trên 400 em/năm.
P.V (tổng hợp)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)