Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phản hồi loạt bài Quấy rối tình dục trẻ em – thủ phạm “giấu mặt”: Phụ huynh có quyền tố cáo

Tạp Chí Giáo Dục

Những động thái mang tính chất dâm dục, gợi dục gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển về thể chất, tinh thần cũng như giới tính của trẻ em đều là những hành vi vi phạm pháp luật và trái với đạo đức xã hội.
Do đó, phụ huynh có quyền tố cáo kẻ quấy rối khi có những hành vi này để bảo vệ con mình trước mọi nguy cơ xâm hại. Đó là ý kiến của luật gia Nguyễn Văn Hưng (Hội Luật gia TP.HCM) về các hành vi quấy rối tình dục (QRTD) đối với trẻ em và trẻ vị thành niên. Theo luật gia Nguyễn Văn Hưng, khái niệm QRTD hiện chưa có quy định chính thức để chỉ rõ như thế nào là hành vi QRTD và đây là vấn đề đang gây tranh cãi trước khi được đưa vào các điều luật cụ thể. Dù Bộ luật Lao động được sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực từ ngày 1-5-2013) có đưa hành vi QRTD vào phạm vi điều chỉnh và dự thảo nghị định xử phạt về lĩnh vực lao động có quy định xử phạt mức phạt tiền từ 50 triệu đến 75 triệu đồng cho hành vi được coi là QRTD. Tuy nhiên, những điều quy định này vẫn rất khó thực hiện bởi rất khó giải thích cụ thể về khái niệm QRTD. Tuy nhiên, những hành vi được cho là biểu hiện của sự QRTD vẫn đang được gia đình và xã hội hết sức quan tâm, bảo vệ.
Trẻ em (dưới 16 tuổi) và trẻ vị thành niên (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) là hai đối tượng đặc biệt đang được Nhà nước và xã hội quan tâm nên có khá nhiều điều luật bảo vệ. Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định “nghiêm cấm việc ngược đãi, hành hạ, làm nhục, ruồng bỏ trẻ em; bắt trộm, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; kích động, lôi kéo, ép buộc trẻ em thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật hoặc những việc có hại đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em” và tại khoản 5 điều này còn nghiêm cấm, lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em sử dụng văn hóa phẩm khiêu dâm, kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ… Do đó, mọi hành vi gây tổn hại đến sự  phát triển thể chất và tâm, sinh lý của trẻ đều phải được bảo vệ và xử lý nghiêm khắc, kịp thời.
Xét ở góc độ pháp luật thì Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 chỉ quy định tội “Dâm ô đối với trẻ em” chứ không có quy định về tội QRTD. Do đó, khi có đơn tố cáo thì các cơ quan chức năng sẽ làm rõ nếu hành vi QRTD nào có dấu hiệu cấu thành tội “Dâm ô đối với trẻ em” thì tùy theo mức độ phạm tội và hậu quả nghiêm trọng do người đó gây ra để áp dụng xử phạt theo luật định. Điều 116 Bộ luật Hình sự quy định mức phạt tù cao nhất cho tội danh này là từ 7 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Các hành vi QRTD đối với trẻ em dưới 16 tuổi tuy chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị xử lý về mặt hành chính bởi nó được coi là hành vi sử dụng ngôn ngữ mang tính khiêu dâm thông qua phương tiện thông tin (điện thoại, internet…) để cho trẻ em tiếp xúc với thông tin mang nội dung khiêu dâm, gợi dục. Theo quy định tại khoản 1 điều 11 nghị định số 91/2011/NĐ-CP ngày 17-10-2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cho trẻ em tiếp xúc với sản phẩm văn hóa, thông tin truyền thông có nội dung khiêu dâm, bạo lực, kinh dị”. Trong trường hợp chưa đến mức độ cần thiết để tố cáo, gia đình và nạn nhân nên có những phản ứng gay gắt, dứt khoát ngay từ đầu để yêu cầu chấm dứt hành vi QRTD đối với con em mình nhằm bảo vệ trẻ trước nguy cơ xâm hại.
Ngọc Anh (ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)