Ông Phạm Thanh Tâm – Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Hồng Đức:
Nhiều hiệu trưởng bị khống chế quyền hạn
Có được sân chơi rộng cho HS là điều mơ ước của nhiều trường NCL hiện nay. Ảnh: N.Anh
|
Làm hiệu trưởng quản lý trường tư thục lâu năm nên tôi đã nghe rất nhiều ý kiến từ hiệu trưởng các trường ngoài công lập (NCL). Phần lớn họ than vãn về việc bị khống chế quyền hạn trong nhà trường, và chính điều này là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều hiệu trưởng không thể hiện được bản lĩnh và năng lực của mình trong công tác quản lý. Hiệu trưởng các trường NCL hầu hết đều là những nhà giáo đã từng công tác tại các trường công lập trước đây, nay về hưu được mời làm cán bộ quản lý. Tiếng là hiệu trưởng nhưng mọi quyết định lớn nhỏ trong trường đều phải được thông qua sự chấp thuận của ban quản trị. Điều này thật khác với quá trình họ công tác trước đây: Là những nhà giáo từng đứng lâu năm trên bục giảng, hơn ai hết họ muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh (HS) của mình từ việc đầu tư trang thiết bị dạy học, lựa chọn và sắp xếp giáo viên, tổ chức các hoạt động trong nhà trường… Trong khi đó, những người trong ban quản trị hầu như không có chuyên môn nghiệp vụ và năng lực để quản lý đội ngũ sư phạm trong nhà trường. Vấn đề mà những người này quan tâm là hiệu quả hoạt động của trường mang về là bao nhiêu phần trăm lợi nhuận. Điều này dẫn đến ban quản trị và ban giám hiệu không đồng nhất ý kiến với nhau và phân chia thành nhiều hướng đi: Người “an phận”, người rời bỏ trường sau một vài năm công tác, người khác lại tiếp tục ở lại và kiên trì đấu tranh nhưng không mạnh mẽ, dứt khoát vì bản thân họ cũng chỉ là những người làm công ăn lương.
PGS. TS Trần Hữu Tá – Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký:
Cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh
LTS: Sau loạt bài “Thực trạng trường ngoài công lập tại TP.HCM”, Giáo Dục TP.HCM đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. |
Với số lượng trường NCL tại TP.HCM như hiện nay, các trường tồn tại được đã là một điều khó, muốn phát triển lại càng khó hơn bởi “thị trường” có sự cọ xát, cạnh tranh rất mạnh mẽ. HS trường NCL có rất nhiều em thuộc diện chưa ngoan, tiếp thu bài kém. Muốn giáo dục đối tượng này, các trường nên có biện pháp giáo dục phù hợp. Trường tư thục Trương Vĩnh Ký ở thời điểm gần 10 năm về trước cũng có cùng cảnh ngộ như các trường NCL yếu kém hiện nay. Để rèn luyện HS yếu kém, nhà trường đưa ra một nguyên tắc: nếu HS yếu nhưng chịu khó học tập và rèn luyện thì nhà trường kiên quyết không bỏ và ngược lại, HS nào yếu kém nhưng lười biếng và không có biểu hiện tiến bộ (nhất là đạo đức) thì nhà trường kiên quyết xử lý. Chúng tôi đưa ra nội quy rõ ràng và dễ hiểu, sinh hoạt hàng tuần đều chiếu theo nội quy để xử lý. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với gia đình để cùng quản lý và giáo dục HS. Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường phổ biến cụ thể nội quy, từ đó thống nhất với phụ huynh biện pháp giáo dục HS. Thông qua sổ báo bài, điện thoại, giáo viên chủ nhiệm, quản nhiệm thông báo tình hình học tập, đạo đức, những trường hợp vi phạm của các em. Nếu HS đó tiếp tục vi phạm nhiều lần, nhà trường sẽ mời phụ huynh lên làm việc và yêu cầu phụ huynh có sự cam đoan và phối hợp cùng nhà trường để tìm ra hướng giáo dục, và nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị đưa lên hội đồng kỷ luật để cảnh cáo hoặc hạ hạnh kiểm. Trong trường hợp HS đó vi phạm quá nặng, bị kỷ luật quá nhiều, phụ huynh sẽ phải tự nguyện rút học bạ, không để HS đó tiếp tục học trong trường.
Ông Trần Quý Hòa – phụ huynh HS lớp 10 Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến:
Cơ sở vật chất nhiều trường quá kém
Con tôi chỉ là HS khá tại một trường THCS công lập ở Q.3. Do đó, ngoài việc cho con tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tôi còn phải “nhắm” một vài trường NCL để dự trù trong trường hợp cháu không trúng tuyển các nguyện vọng. Và tôi đã cất công đi tìm hiểu kỹ lưỡng hệ thống trường NCL hiện nay. Đầu tiên, điều tôi quan tâm đó là chất lượng đào tạo của các trường. Điều này quả thực không khó bởi là người sống tại TP.HCM lâu năm, ít nhiều tôi cũng biết các thông tin về các trường “top”. Tuy nhiên, cũng để dự phòng trường hợp con tôi không được vào những trường đó (vì có kiểm tra sàng lọc chất lượng HS), tôi cũng thử đi tìm hiểu một vài trường NCL khác. Thật kinh khủng! Có những nơi khi bước vào tôi không nghĩ đấy là trường học vì nó quá nhỏ, có khi chỉ là một tòa nhà 3-4 tầng cho cả ba khối lớp. Thậm chí có trường còn không có cổng trường và bị “xà xẻo” bởi các đơn vị xung quanh. Phần lớn các trường đều không có sân chơi hoặc nếu có thì lại quá nhỏ, không có cây xanh. Vậy mà khi đọc quảng cáo hay tờ rơi thì lại đăng những hình ảnh thật đẹp mắt, gây nhầm tưởng cho phụ huynh. Khi hỏi về nội dung, hình ảnh trên những tờ quảng cáo thì đại diện nhà trường đều giải thích rằng trường đang có kế hoạch xây dựng hoặc đang giải tỏa mặt bằng. Thử hỏi, với cơ sở vật chất như vậy, làm sao chúng tôi yên tâm để gửi con em theo học?
Sở GD-ĐT TP.HCM kiểm tra các trường ngoài công lập
Sau loạt bài bốn kỳ “Thực trạng trường ngoài công lập” đăng trên Báo Giáo Dục TP.HCM (từ ngày 16 đến 23-9), nêu lên những hạn chế và bất cập cần phải nhanh chóng khắc phục mới mang lại hiệu quả cho việc dạy và học, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức đoàn kiểm tra các trường THCS, THPT NCL trên địa bàn thành phố. Mục đích của việc kiểm tra là nhằm đánh giá việc thực hiện quy chế chuyên môn và rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường NCL. Theo đó, đoàn sẽ kiểm tra các nội dung: việc tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh; xét duyệt lưu ban lên lớp, khen thưởng và kỷ luật; kế hoạch giảng dạy các bộ môn; hồ sơ dạy học của giáo viên…
P.V
|
Bình luận (0)