LTS: Trên số báo 1.751 ra ngày 18-4, Giáo dục TP.HCM có đăng bài 9 học sinh cùng lớp chung ngày giỗ. Bài viết phản ánh nỗi đau của gia đình, nhà trường và cả xã hội trước tai nạn đuối nước của 9 học sinh Trường THCS Nghĩa Hà, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Sự việc đau lòng như thế này không phải là chưa từng xảy ra. Vậy làm sao để những tai nạn đáng tiếc như vậy không còn xảy ra nữa? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã nhận được ý kiến của nhiều bạn đọc…
Trẻ đuối nước và trách nhiệm xã hội
Khúc sông Trà Khúc (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) – nơi 9 học sinh bị chết đuối. Ảnh: Tuấn Kiệt |
Vụ đuối nước lấy đi sinh mạng 9 HS ở Quảng Ngãi đã qua nhưng sẽ còn mãi ký ức đau buồn trong lòng người thân, thầy cô và bạn bè các em. Nó một lần nữa đánh thức trách nhiệm xã hội về phòng chống đuối nước cho trẻ em – một vấn đề được bàn rất nhiều nhưng hiệu quả chưa bao nhiêu.
Theo TS. Lương Mai Anh – Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), đuối nước là nguyên nhân tai nạn hàng đầu ở trẻ em, với trung bình 3.500 trường hợp tử vong/năm, chiếm trên 50% tổng số ca tử vong đuối nước ở các lứa tuổi trên toàn quốc. Ước tính mỗi ngày có 10 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Những con số lạnh lùng trên cho thấy đuối nước là hung thần đối với trẻ em Việt Nam!
Nhưng phòng chống hung thần đuối nước ở trẻ em không hề là vấn đề đơn giản. Nó làm nhức đầu nhiều cơ quan, bộ máy Nhà nước.
Ở nước ta, việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em là mối quan tâm hàng đầu, được quy định khá đầy đủ trong nhiều văn bản pháp luật. Nhiều tổ chức, cơ quan chuyên trách hoặc có liên quan đến việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được thành lập từ cấp Trung ương đến cấp xã. Nhiều bộ, ngành, đoàn thể như LĐ-TB&XH, Y tế, GD-ĐT, VH-TT&DL, Đoàn TNCSHCM… cũng thành lập các bộ phận chức năng về trẻ em. Nhiều chương trình, chủ trương về phòng chống đuối nước cấp quốc gia được ban hành… Nguyên nhân tình trạng đuối nước trẻ em cũng đã được phân tích, nói nhiều. Các giải pháp cũng được họp bàn kỹ lưỡng. Nhưng đến nay kết quả đem lại còn rất hạn chế.
Tuy nhiên, sự lúng túng về phòng chống tai nạn đuối nước không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Ở nhiều nước cũng đối mặt với tình hình đuối nước ở trẻ em và các cơ quan của Chính phủ cũng tỏ ra lúng túng để giải quyết tình trạng này. Đuối nước là một trong 4 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em tại nhiều quốc gia châu Á. Ước tính mỗi năm tại khu vực này có khoảng 300.000 trẻ thương vong. Tại các nước có thu nhập cao như châu Âu, Mỹ, Úc, đuối nước vẫn còn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ từ 1-4 tuổi.
Từ lâu, tai nạn đuối nước đã được cảnh báo mạnh mẽ trong nhà trường, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thức được rằng từ tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức phòng chống đến hành động cụ thể là một khoảng cách rất xa. Họ cũng nhận thức ra rằng phòng chống đuối nước sẽ khó thành công nếu không có sự tham gia của toàn xã hội. Bởi vậy, ngoài các cơ quan của Chính phủ, họ còn dựa vào các tổ chức thiện nguyện của các đoàn thể, tôn giáo, tổ chức phi chính phủ. Chẳng hạn ở Úc có Hiệp hội Cứu nạn Hoàng gia Úc, ở Mỹ có Tổ chức Liên minh vì an toàn của trẻ em (TASC)… Họ cử người đến tận trường học, xóm làng, gia đình hướng dẫn trẻ tập bơi. Trong đó, họ rất chú trọng đến đối tượng gia đình vì qua nghiên cứu cho thấy nhóm trẻ từ 0-4 tuổi có tỉ lệ tử vong do đuối nước cao nhất và gần 80% số trường hợp đuối nước ở nhóm 0-4 tuổi xảy ra ở khu vực trong nhà. Họ nhấn mạnh một thau/chậu chứa nước để trong nhà cũng có thể là nguyên nhân làm trẻ đuối nước. Họ hướng dẫn cách sắp xếp các vật dụng thau/chậu trong nhà, cắm biển báo hoặc hàng rào ở những nơi có thể làm trẻ thương vong. Hướng dẫn cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước…
Ở nước ta, các cơ quan chức năng đang mở rộng vận động toàn xã hội tham gia phòng chống đuối nước ở trẻ em. Theo chúng tôi, có thể vận động các bạn sinh viên trong các trường ĐH thể dục thể thao tham gia phòng chống đuối nước vào mỗi kỳ nghỉ hè. Tổ chức Đoàn TNCSHCM sẵn có kinh nghiệm tổ chức Mùa hè xanh sẽ đảm đương công tác này.
Quay lại vụ đuối nước ở Quảng Ngãi, trả lời về việc phòng chống đuối nước ở trẻ em, vị đại diện chính quyền địa phương than, việc dạy trẻ bơi gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí, thiếu giáo viên và địa điểm xây hồ bơi trong trường học. Sự lúng túng của một tư duy như trên cũng dễ bắt gặp ở các địa phương khác và như vậy thì còn khá lâu mới giải quyết tình trạng đuối nước ở trẻ em.
Từ Nguyên Thạch
Xin đừng chỉ vuốt ve Sẽ chẳng phai màu nỗi đau của cha, của mẹ. Có lẽ chẳng ai nuôi con để mong con trả ơn trả nghĩa. Chỉ mong con nên người. Vậy mà khát khao giản dị ấy giờ chỉ còn là ảo vọng… Sẽ chẳng thể quên được những chiếc áo trắng ngây thơ. Có thể nhớ mãi những gương mặt đã có thể chuẩn bị chia tay sau mươi ngày nữa để lên lớp mới… Vậy mà có thể nói môn thi cuối cùng vẫn không làm kịp, vì các em phải đi xa mãi… Giọt nước mắt rơi hay chưa, không còn quan trọng nhưng sự ám ảnh về sự chia tay vĩnh viễn những gương mặt học trò có thể đeo mang. Sẽ chẳng thể phôi pha những trách nhiệm… có thể làm được cho các em? Xin đừng ve vuốt hay nói qua loa bằng những phong trào làm được gì, hãy làm ngay cho các em được sống và đủ sống. Các em cần được quan tâm đôi chút khi rời khỏi cổng trường. Các em cần được nhìn thấy và biết những biển báo ở dòng kênh, con sông, bờ suối. Các em cần được biết cách bảo vệ bản thân trước những nhu cầu của lứa tuổi. Các em cần được sống trước những tình huống hiểm nguy… Hãy bớt đi tòa tháp nguy nga hay chiếc bánh kỷ lục. Hãy bớt đi những trận khẩu chiến vì cái vòng 3 hay vòng 2 xa xót. Hãy bớt đi những chiêu thức online để cho các em thêm cơ hội sống còn. Không kể nhiều nhưng chắc chắn ai cũng trĩu lòng khi thấy mình cần hy sinh hơn chút nữa để các em được sống… Huy, Thế, Nam, Hạnh, My, Long… hay bất kể ai có thể tự hào vì những chuyến đi bạt ngàn nắng gió, những cú trượt hay phượt nhóm vẫy vùng. Chỉ cần cho các em nhiều hơn chút và có trọng điểm hơn, cuộc sống sẽ mở ra cho những con người cần được sống. Cảm thấy mình có lỗi vì cứ mãi xoay vòng. Cho thêm đôi chút, làm thêm đôi chút, trách nhiệm thêm đôi phần… Tôi hiểu, cần phải hành động chứ không phải đôi co… PGS.TS Huỳnh Văn Sơn |
Bình luận (0)