Quy định tăng thêm 10km/h khi lưu thông trong khu đông dân cư đã đi vào thực hiện khiến người dân rất phấn khởi |
Quy định tăng thêm 10km/h khi lưu thông trong khu đông dân cư đã bắt đầu đi vào thực hiện. Cảm nhận đầu tiên của người dân về sự thay đổi này là tính hợp lý và hợp lòng dân. Bên cạnh đó, một vài đề xuất cũng được nêu lên nhằm việc thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn.
Sự điều chỉnh phù hợp
Quy định trên thuộc Thông tư 91 của Bộ Giao thông vận tải (91/2015/TT-BGTVT), quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-3 vừa qua. Theo đó, thông tư này cho phép các loại phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ trong khu vực đông dân cư tăng vận tốc thêm 10km/h tương ứng với 2 loại đường.
Cụ thể đối với đường đôi (có dải phân cách giữa) và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới cho phép xe cơ giới (gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô 2 bánh; xe mô tô 3 bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự) lưu thông với tốc độ tối đa là 60km/h. Đối với đường hai chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có 1 làn xe cơ giới, các xe cơ giới được chạy với tốc độ 50km/h.
Tương tự, thông tư cũng quy định tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới trên đường bộ (trừ đường cao tốc) ngoài khu vực đông dân cư như sau: Đối với xe ô tô con, xe ô tô 30 chỗ (trừ xe buýt), ô tô tải (trọng tải 3,5 tấn) thì tốc độ tối đa khi lưu thông trên đường đôi (có dải phân cách giữa) và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên là 90km/h, còn khi lưu thông trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có 1 làn xe cơ giới thì tốc độ tối đa là 80km/h. Tương tự, đối với xe ô tô 30 chỗ (trừ xe buýt), ô tô tải 3,5 tấn thì tốc độ tối đa ở hai loại đường trên lần lượt là 80km/h và 70km/h; đối với ô tô buýt, ô tô đầu kéo sơ mi rơ moóc, ô tô chuyên dùng, xe mô tô là 70km/h và 60km/h; riêng ô tô kéo rơ moóc và ô tô kéo xe khác thì vận tốc tối đa là 60km/h và 50km/h. Riêng với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (xe 2, 3 bánh có lắp động cơ đốt trong có dung tích xi lanh không lớn hơn 50cm3 và tốc độ thiết kế lớn nhất không quá 50km/h), kể cả xe máy điện và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông trên đường bộ (trừ đường cao tốc) thì tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ và không quá 40km/h. Riêng với đường cao tốc, tốc độ của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng lưu thông không vượt quá 120km/h.
Để việc phổ biến tốc độ lưu thông trở nên gần gũi và dễ nhớ, anh Nguyễn Việt Đăng cho rằng: “Cứ vẽ tốc độ trên mặt đường là ổn nhất. Đoạn nào nhanh chậm vẽ theo đoạn đó. Cơ quan quản lý đường bộ khu vực đó có trách nhiệm quản lý bảo dưỡng thường xuyên, chứ quy định tốc độ trên giấy dân chả biết đường nào mà lần”. |
Về khoảng cách an toàn giữa các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường, Thông tư 91 quy định khoảng cách khi mặt đường khô ráo như sau: Với tốc độ lưu hành trên 60km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 35m, tốc độ 80km/h tương ứng với khoảng cách an toàn là 55m, tốc độ 100km/h thì khoảng cách an toàn là 70m và lưu hành ở tốc độ 120km/h thì khoảng cách an toàn là 100m. Trường hợp điều khiển xe chạy với tốc độ từ 60km/h trở xuống, trong khu vực đô thị, đông dân cư, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình (khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn).
Và những đề xuất
Đồng tình và ủng hộ những điều chỉnh về tốc độ lưu thông của Thông tư 91, tài xế Dương Văn Toàn, có thâm niên chạy xe khách tuyến TP.HCM – Đà Lạt trên 15 năm khen ngợi “những quy định mới của thông tư này tạo điều kiện cho các tài xế lưu thông thuận lợi hơn. Tuy nhiên, chúng tôi xin đề xuất khắc phục tình trạng 2 làn đường hỗn hợp nhưng không có bảng hạn chế tốc độ ở khu vực Hố Nai – Ngã ba Tân Phong (Đồng Nai) khiến cho nhiều xe dù lẫn xe khách chạy ẩu, lấn đường làm cho xe máy của người dân không còn chỗ đi”.
Theo ý kiến của anh Phan Hải Nam, tài xế xe khách tuyến TP.HCM đi các tỉnh miền Trung, “cơ quan chức năng nên chia tốc độ cho mỗi làn xe một cách cụ thể, vì có nhiều tài xế container chạy rất chậm nhưng không cho xe phía sau vượt lên, luật lại quy định cấm vượt bên phải nên các xe tốc độ cao phải xếp hàng rồng rắn gây ùn tắc giao thông”. Anh Nam cũng cho rằng, tình trạng xử lý vi phạm về khoảng cách an toàn giữa các phương tiện lâu nay chưa được quan tâm, nay cần được thực hiện khắt khe và nghiêm minh để tạo ý thức về an toàn trong lưu thông cho các tài xế nói riêng và người dân nói chung, góp phần giảm tránh tai nạn hoặc những rủi ro không đáng có.
Rất hoan nghênh Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có đề xuất hợp lý với thực tế trong cuộc sống về vấn đề biển báo hạn chế tốc độ ở khu dân cư, tuy nhiên ông Nhật Minh (ngụ TP.HCM) đề xuất: “Tổng cục cũng nên có nghiên cứu về tình trạng một số địa phương còn tùy tiện trong việc cắm biển báo hạn chế tốc độ ở khu dân cư. Nhiều nơi hai bên đường là ruộng cũng vẫn còn bị hạn chế khu vực đông dân cư là không hợp lý và gây khó khăn cho việc lưu thông chung”.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)