Một tiết học môn ngữ văn của học sinh THPT. Ảnh: Anh Khôi |
Sau văn học cổ dân gian, nền văn học viết Việt Nam có chiều dài lịch sử rộng lớn và một vị thế vô cùng quan trọng. Trong chương trình ngữ văn cấp THPT, văn học Trung đại chiếm khoảng 1/2 thời lượng chương trình toàn cấp. Đây là giai đoạn văn học luôn được bàn cãi rộng rãi trong quá trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa và khi thực hiện dạy học theo hướng đổi mới và tích hợp kiến thức.
Từ trước đến nay sách viết về lịch sử văn học Trung đại Việt Nam chủ yếu chia theo triều đại, gồm 4 giai đoạn sau: Lý – Trần (từ thế kỷ XI đến XIV), Lê – Mạc (thế kỷ XV đến XVI), Nam – Bắc phân tranh (thế kỷ XVII đến XVIII), Nguyễn hay thời kỳ cận kim (thế kỷ XIX). Ngoài ra còn có cách chia theo giai đoạn lịch sử, xã hội và văn học. Cách chia này thường có 4 hoặc 5 giai đoạn và ranh giới giữa các giai đoạn cuối lại không trùng nhau. Như vậy cách chia theo các mốc thế kỷ có nguồn gốc từ cách phân kỳ của phương Tây mà trước hết là văn học Pháp. Tính chất khoa học và tiện lợi của nó là không thể chối cãi được. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là không gây được ấn tượng rõ ràng và khó đạt được sự thống nhất giữa các ý kiến khác nhau. Dựa vào cách chia văn học theo thế hệ nhà văn, thời Trung đại có 8 thế hệ nhà văn như: Thế hệ đối kháng Trung Hoa, thế hệ dấn thân yêu đời, thế hệ tố cáo thời thế, thế hệ gặp gỡ Tây phương, thế hệ thác loạn, thế hệ Nguyễn Du, thế hệ Nguyễn Công Trứ và thế hệ tẩy chay Pháp. Cách chia này có vẻ bám sát vào những sự kiện của văn chương nhất, gợi mở nhiều vấn đề thú vị. Tuy nhiên việc lấy những mốc thời gian chi tiết quá cũng như tên gọi của các thế hệ là điều còn phải bàn cãi nhiều.
Tóm lại, những cách chia giai đoạn như trên khó cho chúng ta hình dung ra một quá trình phát triển, hơn nữa không chỉ ra được những đặc điểm rất khác nhau về thi pháp giữa các giai đoạn. Điều ấy buộc chúng ta phải đi tìm một cách chia giai đoạn khác phù hợp hơn. Thực tế chúng ta thấy những đặc điểm điển hình nhất của tư tưởng, quan niệm văn học cũng như thi pháp như “trung quân”, quan niệm “tải đạo”, tính chất “tao nhã”, “vô ngã”… chỉ được thể hiện rõ trước thế kỷ XVIII. Vì vậy, thế kỷ XVIII trở về trước và thế kỷ XVIII trở về sau phải được chia làm 2 giai đoạn rõ ràng. Cụ thể hơn ở giai đoạn đầu, văn học thế kỷ XI – thế kỷ XIV thời Lý Trần chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Phật giáo. Hơn nữa lý luận và phê bình văn học vẫn còn ở giai đoạn manh nha nên phải tách ra thành một giai đoạn riêng. Vì vậy, chúng ta có thể chia sự phát triển của văn học cũng như ý thức văn học Trung đại thành 3 giai đoạn rõ rệt. Nếu lấy ý thức chính thống làm trục thì ta sẽ thấy nó phát triển như sau: Bước đầu hình thành – phát triển đạt đến mức độ điển hình – suy thoái, đồng thời những nhân tố mới xuất hiện. Đã từng tham khảo một số sách viết về lịch sử văn học hay phê bình văn học của Trung Quốc và Nhật Bản, chúng tôi tin hơn về quan niệm của mình. Và chính cách chia 3 giai đoạn này đặc biệt có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu thi pháp hay ý thức văn học. Như vậy là văn học Trung đại Việt Nam có thể được chia ra làm 3 giai đoạn lớn như sau: Giai đoạn 1 (Sơ kỳ Trung đại) từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XV (Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ). Văn học gắn liền với xây dựng quốc gia độc lập, phục hưng dân tộc. Ảnh hưởng tư tưởng Thiền tông rất sâu đậm, văn học Trung đại có những thành quả đầu tiên. Giai đoạn 2 (Trung kỳ Trung đại) từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVII (Lê sơ, Nam Bắc triều, Lê trung hưng). Nho giáo chiếm vị trí độc tôn. Văn học Trung đại phát triển cao với những đặc điểm điển hình của nó. Giai đoạn 3 (Hậu kỳ Trung đại) từ đầu thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX (Lê mạt và Nguyễn). Chế độ phong kiến và tư tưởng nho giáo lung lay. Tính chất “phi nho” ngày càng rõ nét. Trào lưu văn học nhân đạo chủ nghĩa vượt ra ngoài khuôn khổ phong kiến phát triển mạnh. Văn học tiếng Việt phát triển lên đến đỉnh cao át hẳn văn học chữ Hán.
Rõ ràng cách chia trên không hề phủ nhận những cách chia truyền thống (theo triều đại hay giai đoạn lịch sử) mà vẫn tổng hợp lại để có thể giản dị hơn, thấy rõ đặc điểm của từng giai đoạn và quá trình phát triển của văn học Trung đại.
PGS.TS Đoàn Lê Giang
(Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Bình luận (0)