Hội nhậpThế giới 24h

Phần Lan cần chính sách ngoại giao trung lập về quân sự

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày mai (ngày 19/4), hàng triệu cử tri Phần Lan sẽ đi bầu cử Quốc hội mới nhiệm kỳ bốn năm. Liệu cuộc bầu cử này có làm thay đổi đường lối đối ngoại hiện nay của quốc gia Bắc Âu này hay không khi mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ra sức lôi kéo chính quyền Helsinki giữa lúc quan hệ đang căng thẳng với Nga.

Là một nước nhỏ, nhiều năm qua Phần Lan có sự lựa chọn rõ ràng, khôn khéo về chính sách đối ngoại, đó là không hung hăng tái vũ trang và giữ mỗi quan hệ cân bằng với nước láng giềng khổng lồ Nga và NATO.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. (Nguồn: AFP)

Năm ngoái, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và các hoạt động quân sự gia tăng ở vùng biển Baltic đã gây ra nhiều tranh luận tại Phần Lan. Một bộ phận trong giới lãnh đạo chính trị của nước này đã nói đến việc cần gia nhập NATO. Tuy nhiên, trong các cuộc vận động tranh cử lập pháp gần đây, chủ đề này ít được đề cập.

Rõ ràng người dân Phần Lan quan ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây giữa Nga và phương Tây, nhưng dường như họ ủng hộ sự đồng thuận chung trong chính phủ hiện nay, đó là tiếp tục duy trì chính sách trung lập về quân sự dù nước này là thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Đối với Phần Lan, nước có 5,5 triệu dân và có 1.340km biên giới chung ở phía Đông với nước Nga, việc duy trì truyền thống không liên kết được coi là phương cách tốt nhất để giữ mối quan hệ tương đối tốt với Nga.

Sự kiện "Cuộc chiến Mùa Đông" 1939-1940 vẫn sâu đậm trong ký ức người dân Phần Lan. Sau thất bại của các cuộc đàm phán nhằm thành lập vùng đệm bảo vệ Leningrad (tức Saint Petersbourg ngày nay), Hồng quân Liên Xô tràn sang Phần Lan, vốn khi đó nằm trong vòng ảnh hưởng của Moskva.

Sau cuộc chiến kéo dài 105 ngày, Thỏa thuận Moskva ký vào tháng 1/1940 đã gạt bỏ được kế hoạch của Pháp và Anh muốn đưa quân sang Phần Lan, biến nước này thành một bãi chiến trường. Phần Lan phải hứng chịu thiệt hại nặng nề, với 25.000 người chết, 55.000 bị thương, 450.000 người mất nhà cửa.

Cũng từ đó và trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Phần Lan duy trì thái độ chừng mực với Liên Xô, quan hệ làm ăn với cả hai phe Đông và Tây. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Phần Lan gia nhập EU vào năm 1995, nhưng chỉ hợp tác với NATO trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác vì Hòa bình.

Theo giới phân tích, chính quyền Helsinki cần thiên về một chính sách quốc phòng chung của EU thay vì dựa hẳn vào NATO. Theo một cuộc thăm dò dư luận, đăng trên nhật báo Helsinki Sanomat hồi cuối tháng Ba vừa qua, số người Phần Lan ủng hộ nước này gia nhập NATO chỉ là 27% trong khi có tới 57% chống lại ý tưởng này.

Trong cuộc bỏ phiếu vào Chủ nhật này, Đảng Trung tâm đối lập có nhiều khả năng thắng cử và sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại như hiện nay. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, người chủ trương duy trì quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng Nga, từng tuyên bố gia nhập NATO sẽ gây thiệt hại cho quan hệ của nước này với Nga, do vậy Phần Lan muốn giữ nguyên trạng như hiện nay.

Có lẽ điều mà cử tri Phần Lan quan tâm nhất vào thời điểm này là vấn đề kinh tế. Dù không lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009, nhưng kinh tế Phần Lan đang "xuống dốc" với mức tăng trưởng âm suốt ba năm qua. Tình trạng đình đốn của nền kinh tế còn do sự tăng trưởng ì ạch tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và xu hướng sụt giảm của kinh tế Nga trong bối cảnh khủng hoảng tại Ukrane chưa lắng dịu.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu cuộc khủng hoảng tại Ukraine tiếp tục kéo dài, triển vọng kinh tế của Phần Lan có nguy cơ còn xấu đi và diễn biến ảm đạm này có thể kéo dài trong vài năm tới. Thủ lĩnh Đảng Trung tâm Juha Sipila cam kết nếu lên nắm quyền, ông sẽ phục hồi nền kinh tế và tạo ra 200.000 việc làm mới trong 10 năm tới nhằm đối phó với tỷ lệ thất nghiệp hiện đã lên tới 9,2% ở nước này.

Các cuộc thăm dò dư luận trước ngày bầu cử cho thấy, Đảng Trung tâm đang nhận được sự ủng hộ của 24% số cử tri, trong khi Liên minh Dân tộc của đương kim Thủ tướng Alexander Stubb nhận được 16,9% và Đảng Người Phần Lan được 16,7% và Đảng Dân chủ Xã hội được 15,1%. Với khoảng cách lớn như vậy, Đảng Trung tâm nhiều khả năng sẽ trở lại nắm quyền. Tuy nhiên, việc đàm phàn để thành lập chính phủ liên minh có thể sẽ mất nhiều thời gian để có thể tìm được một tiếng nói chung./.

 (TTXVN/VIETNAM+) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)