Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

Phần Lan: Giáo dục là nhiệm vụ sống còn của quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Phần Lan xếp thứ nhất trong cuộc thi quốc tế PISA dành cho học sinh phổ thông (15 tuổi) đến từ 40 quốc gia trên thế giới.

Sau Phần Lan, những nước chiếm vị trí cao trong cuộc thi là: Nhật Bản, Hồng Công, Hàn Quốc, Hà Lan, Canada và Bỉ. Nước Nga xếp vào khoảng 29 – 31 về trình độ toán học và từ 32 – 34 về kỹ năng đọc. Vấn đề đặt ra là tại sao Phần Lan có thể đạt được thành công vang dội như thế?

Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu PISA – Những yếu tố dẫn đến thành công ở Phần Lan” vừa được tiến hành ở Helsinky.

Một nền giáo dục ưu việt

Nét nổi bật của giáo dục ở Phần Lan là tạo điều kiện cho tất cả học sinh không phân biệt các em xuất thân từ đâu, mức độ giàu nghèo của cha mẹ các em như thế nào. Tất cả hệ thống giáo dục từ nhà trẻ đến đại học đều miễn phí.

Ngoài ra, nhà nước bảo đảm cho học sinh không phải trả tiền sách giáo khoa cũng như sách tham khảo, không phải trả tiền đi xe buýt đến trường và… cả một bữa ăn trưa nữa. Ngân sách chi cho giáo dục được nhà nước và tòa thị chính của các thành phố đảm nhiệm (Nhà nước trả 57%, tòa thị chính trả 43%).

Không phải trong chốc lát mà giáo dục Phần Lan có được như hiện nay, đó là kết quả của quá trình phấn đấu lâu dài với tinh thần “ Giáo dục là quốc sách”. Việc cải cách giáo dục được tiến hành từ những năm 1970 nhưng luật về giáo dục cơ bản mới chỉ ra đời từ ngày 1/1/1999. Theo đó, giáo dục cơ sở kéo dài trong 9 năm.

Trong 6 năm đầu, việc giảng dạy do giáo viên chủ nhiệm đảm trách, 3 năm sau đó đến lượt giáo viên bộ môn. Phần Lan áp dụng chính sách giáo dục bắt buộc với học sinh từ 7 tuổi. Sau 9 năm học chương trình cơ sở, học sinh có quyền lựa chọn 3 năm tiếp theo sẽ vào trung học phổ thông hay trung học dạy nghề.

Thường thường 54% trẻ em Phần Lan chọn trung học phổ thông và 36% chọn trung học dạy nghề. Có điều, trẻ em tốt nghiệp trung học phổ thông và trung học dạy nghề đều có quyền bình đẳng trong kỳ thi vào đại học.

Làm thế nào để cánh quạt có thể quay?

Trong tiết học về “khoa học” tại một trường phổ thông ở Helsinki, người ta phát cho các em học sinh lớp 5 những chi tiết bằng gỗ và kim loại với yêu cầu “lắp ráp” thành những cánh quạt. Sau đó các em phải làm thế nào cho cánh quạt quay… và một cuộc hội thảo diễn ra sôi nổi với chủ đề: Tại sao cánh quạt lại có thể quay được?

Cô giáo Anna Maria trong trang phục áo phông, quần bò rạng rỡ nói với phóng viên: “Mẹ tôi là giáo viên vì vậy được làm cô giáo là hạnh phúc lớn nhất của đời tôi".

Bàn về phương pháp giáo dục, cô tâm sự: Cách đây 10-20 năm chúng tôi chỉ biết đọc và viết đơn thuần nhưng từ năm 1994, chương trình đã thay đổi. ngày nay, chương trình của chúng tôi được bắt đầu bằng những bài học thực hành, sau đó mới đến lý thuyết. Nếu bạn muốn tiếp thu kiến thức, trước hết bạn cần phải hiểu và sau đó sẽ nhớ lâu. Phòng thực nghiệm toán học được trang bị rất nhiều thiết bị hiện đai. ở đó, không chỉ học sinh yếu mà ngay cả những học sinh xuất sắc cũng thường xuyên tham gia. Bài tập được phân thành 7 loại từ dễ đến khó.”

Ở Phần Lan để được vào dạy trong các trường đặc biệt là ĐHTH phải trải qua những cuộc kiểm tra rất ngặt ngèo. Giáo viên chủ nhiệm bắt buộc phải có bằng thạc sĩ giáo dục học, còn giáo viên bộ môn cũng phải có bằng thạc sĩ về môn học đó.

Trường học là mái ấm của tình người.

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thành công trong giáo dục ở Phần Lan là sự bình đẳng với tất cả học sinh. Nếu có học sinh học kém, trường mở riêng những lớp nhỏ bồi dưỡng kịp thời cho các em. Phương pháp giảng bài cho những đối tượng học yếu có thể khác nhưng chương trình vẫn chỉ là một.

Mỗi lớp đều có một nhà giáo dục học chuyên trách giúp đỡ các em lựa chọn nghành nghề tương lai, tư vấn cho các em về những mặt mạnh, mặt yếu để các em có bước đi đúng hướng và phù hợp với khả năng của mình. Tất cả những nhà giáo dục học ấy cũng được đào tạo ở các trường ĐHTH.

Thành tích của học sinh ở Phần lan đạt được không chỉ đơn thuần là do yếu tố khoa học mà theo các nhà nghiên cứu, cơ bản là do yếu tố xã hội. Quan điểm bình đẳng với tất cả các em học sinh, không phân biệt nguồn gốc xuất thân, vị trí xã hội hoặc giàu nghèo của cha mẹ các em; Giáo dục cho các em ý thức sâu sắc rằng, trường học là mái ấm tình thương của tất cả mọi người; Không ngừng cải cách phương pháp dạy và học; Nâng cao tinh thần tập thể là tất cả những “bí quyết” dẫn đến thành công của giáo dục ở Phần Lan.

Trịnh Nga (Theo mangduhoc.com)

Bình luận (0)