Nói đến Phần Lan là nói đến một nền giáo dục ưu việt bậc nhất thế giới. Trong các cuộc kiểm tra trình độ học sinh do PISA thực hiện, Phần Lan luôn xếp vào loại đầu. Nhiều công trình nghiên cứu nguyên nhân thành công của giáo dục Phần Lan đã được thực hiện. Nhưng gần đây những sự kiện đáng buồn có liên quan đến giáo dục Phần Lan đã ít nhiều làm mọi người suy nghĩ, băn khoăn về thực chất “thành tựu tuyệt vời của giáo dục Phần Lan”. Bài báo sau đây của Olivier Truc, đặc phái viên của Tạp chí Thế Giới Giáo Dục ở Helsinki nói lên phần nào “những vết mờ trong hào quang giáo dục Phần Lan”.
Hai vụ giết người trong vòng chưa đầy một năm trong các nhà trường ở Phần Lan khiến vài chục người chết, kể cả những tên giết người về sau tự vẫn. Đó là vụ giết người vào tháng 11 năm 2007 và cuối tháng 11 năm 2008, tất cả những tin tức đáng buồn đó đã nhấn chìm Phần Lan trong hoảng sợ, nghi ngờ. Các trường này đã bị bệnh rồi hay sao, trong khi những trắc nghiệm của PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế do các quốc gia công nghiệp OECD và một số quốc gia khác tiến hành 3 năm một lần) đã hai lần liên tiếp gắn ánh hào quang lên nền giáo dục Phần Lan so với giáo dục quốc tế? “PISA không nói dối, nhưng PISA chỉ kể lại một phần nhỏ của sự thật về trường học Phần Lan”, đó là lời của bà Kirsi Lindroos, Giám đốc Phát triển của Bộ Giáo dục. “Đó là một hình ảnh bị cắt xén. Với những thành tích ở PISA, chúng ta tưởng rằng chúng ta đã đến nơi rồi.Thế mà những tên giết người đã chuyển ngược mọi chuyện thành bi kịch”, bà Lindroos nói. Bà chịu trách nhiệm về “Ban Khủng hoảng” ở Bộ, sau vụ thảm sát năm 2007.
Sự phân tích những kết quả của PISA làm mọi người nghĩ rằng ở Phần Lan người ta đã làm mọi cách để học sinh không bị ức chế. Thầy giáo không được cho điểm dưới 4 vì sợ học sinh mặc cảm, nhưng “nhiều học sinh không cảm thấy thoải mái ở trường”, bà Kristel Russanen, giáo viên tiếng Thụy Điển của Trường Munkliniemen ở Helsinki cho biết. “Có nhiều kỷ luật quá. Nếu so sánh với các trường Thụy Điển chẳng hạn, học sinh Phần Lan muốn thi đỗ phải chịu áp lực rất nặng”.
Bà Karin Olsson, nhà tâm lý và Giám đốc Tổ chức Phục hồi Thanh niên, lần thứ hai đến thăm một hội nghị ở Helsinki để nghe thông báo về những kết quả cuối cùng của PISA 2006. Những điều bà nghe được tại hội nghị đó lại là những lời tung hô như hội nghị năm trước đó. Thay vì gặp những bộ mặt hân hoan bà lại gặp những bộ mặt ảm đạm: “Tất cả mọi người đều có vẻ ỉu xìu vì những kết quả tốt của PISA sắp làm mọi người chẳng muốn động đậy! Trong khi đó chúng tôi biết rằng nhiều em còn cần phải nâng đỡ”. Đủ thứ nguyên nhân được viện ra: nghiện rượu, chán đời, không muốn tiếp xúc, kín miệng theo “kiểu cố hữu của Phần Lan”…
Ông Pekka Sauri, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Phần Lan nói: “Người ta nói rằng phải trả giá cho giải thưởng PISA, nhưng đó là một phản ứng quá dễ. Tất cả các trường học của Phần Lan không phải là nhà máy! Đúng là sự chăm sóc trong lĩnh vực nhà trường ở Phần Lan không đầy đủ, nhưng không phải vì thế mà xảy ra các vụ thảm sát, là những hiện tượng có liên quan đến internet thì đúng hơn”.
Ngân sách của Phần Lan phải cắt giảm nhiều sau khủng hoảng tài chính những năm 1990. Kết quả: thiếu các nhà tâm lý học và trợ giúp xã hội, bãi bỏ hàng trăm trường, tổ chức. Ông Karin Olsson nói: “Số giờ ít hơn, nhưng cũng phải dạy nội dung như vậy, thậm chí nhiều hơn, và phải có kết quả tốt. Người ta có thể phải trả giá cho những vấn đề của giới trẻ. Hơn nữa xã hội Phần Lan là một xã hội cứng rắn. Người ta chỉ nói đến tranh đua nhau”.
Nhà xã hội học Tuula Gordon nhấn mạnh: “Người ta chú ý quá ít đến quan hệ xã hội ở trường học”. Tỷ lệ tự vẫn trong thanh niên Phần Lan trên thực tế là cao. PISA vẫn chưa lên tiếng gì về những “vết mờ trong hào quang mà PISA trao tặng cho giáo dục Phần Lan trong những năm qua”. Và có lẽ tấm huân chương nào cũng có hai mặt…
Phan Thanh Quang
(Theo Thế giới Giáo dục)
Bình luận (0)