Ước tính mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác thải, tuy nhiên chỉ có 15% được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới – Ngày hội xanh TPHCM tại Công viên Khánh Hội (quận 4, TPHCM).
Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV, khi phát biểu về tình hình kinh tế – xã hội, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) bày tỏ lo ngại, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng 10% mỗi năm. Ước tính mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác thải, tuy nhiên chỉ có 15% được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng.
“Mỏ vàng” từ rác
Quan ngại của đại biểu Trần Thị Thanh Hương cũng chính là một trong những vấn đề “nóng” toàn cầu hiện nay. Bởi lẽ, để tiến tới mục tiêu Zero Carbon thì đây chính là một mắt xích quan trọng. Theo Liên minh châu Âu (EU), việc tái chế rác giúp cắt giảm 200 triệu tấn khí CO2 thải ra môi trường mỗi năm, bên cạnh đó là lợi ích kinh tế không nhỏ. Đơn cử, mỗi tấn thép tái chế được đưa vào sử dụng giúp tiết kiệm được 1,1 tấn quặng sắt, 625kg than đá và 53kg đá vôi nguyên liệu. Không chỉ vậy, các quy định về tỷ lệ nguyên liệu tái chế trong bao bì, nhu cầu sử dụng nguyên liệu cho ngành xe điện, cùng khoản ngân sách khổng lồ đang biến ngành xử lý rác thành “mỏ vàng” cho nhiều nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Tại Mỹ, các hãng xử lý rác thải nổi tiếng như Waste Management, hay Republic Services đều đang “ăn nên làm ra”. Hãng Republic Services có hơn 200 cơ sở xử lý rác đang hoạt động và đã ký hợp đồng với Tập đoàn dầu khí BP để kết nối 43 bãi rác vào mạng lưới đường ống khí đốt của họ nhằm tận dụng khí thải từ rác. Republic Services còn chi đến 275 triệu USD để xây dựng nhà máy phân loại ni lông, sau đó tái chế thành nguyên liệu bao bì mới. Giám đốc điều hành Jon Vanker Ark của Republic Services mới đây thông báo về mức tăng trưởng 2 con số của doanh nghiệp này, chưa kể nhờ xu thế “xanh hóa” mà cổ phiếu của các hãng xử lý rác thải cũng được nhiều nhà đầu tư tài chính quan tâm.
Phân loại rác thải sinh hoạt tại khu xóm trọ ở phường 10, quận 6, TPHCM.
Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều dự án tái chế rác đã từng được khởi xướng song chưa có doanh nghiệp hay dự án nào được coi là “thành công rực rỡ”. Lý do là việc xử lý rác thải chỉ có thể cho hiệu quả về kinh tế và môi trường cao nhất khi rác được phân loại từ nguồn. Thế nhưng, các chương trình phân loại rác tại nguồn ở các địa phương trên cả nước mới chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đem lại nhiều kết quả bền vững. Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định, rác thải phải được phân loại tại nguồn, nhưng phân loại xong sau đó xử lý sản xuất tái chế ra sao, sử dụng đầu ra của sản phẩm tái chế như thế nào thì chưa làm rõ. Quy định xử phạt vi phạm hành chính vì không phân loại rác và không sử dụng bao bì chứa rác đúng quy định cũng đã có hiệu lực kể từ tháng 8-2022, nghĩa là hơn 1 năm trước, nhưng hầu như chưa thực hiện được.
Bắt đầu với rác thải nhựa
Theo các chuyên gia, một trong rất nhiều nguyên liệu có thể khai thác từ rác thải mang lại hiệu quả lớn là nhựa. Trong báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế và Ngân hàng Thế giới vừa được công bố mới đây, ước tính việc tái chế 1 tấn nhựa sẽ giúp tiết kiệm 3,8 thùng dầu, chưa kể rất nhiều chi phí khác. Mỗi năm, một lượng bao bì nhựa trị giá 80-120 tỷ USD bị thất thoát khỏi nền kinh tế toàn cầu do không được tái chế.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 3,9 triệu tấn rác nhựa thải ra (trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi ni lông/tháng). Tuy nhiên, hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Riêng tại TPHCM và Hà Nội, số lượng rác thải nhựa mỗi ngày đưa ra môi trường lên đến 80 tấn. Các nhà khoa học ước tính, nếu tất cả đều được thu gom và tái chế, tổng giá trị vật liệu giải phóng được sẽ tương đương 3,4 tỷ USD/năm. Thế nhưng, mới chỉ 33% số rác nhựa ở nước ta được thu gom, tái chế, nghĩa là có tới hơn 2 tỷ USD đã bị lãng phí.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số lượng rác thải nhựa được tái chế ở nước ta còn ít ỏi: rác chưa được phân loại tại nguồn; lực lượng thu gom chỉ tập trung nhặt lại các loại nhựa có giá trị lớn; hoạt động tái chế nhỏ lẻ; công nghệ sử dụng lạc hậu; sản phẩm tái chế có chất lượng thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Mặt khác, những doanh nghiệp tái chế chất thải nhựa lớn sử dụng công nghệ hiện đại lại chỉ tập trung tái chế các phế phẩm nhựa trong sản xuất, chưa mặn mà với việc thu gom, tái chế phế liệu nhựa từ chất thải rắn sinh hoạt.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, Việt Nam nằm trong nhóm 17 nước thải rác nhựa ra đại dương nhiều nhất. Do đó, tham gia vào “guồng quay tỷ đô” để tái chế rác thải nhựa là việc không chỉ cần làm mà là phải làm đối với Việt Nam, vì không chỉ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm mà còn làm giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm được chi phí nhập khẩu hạt nhựa và sản phẩm nhựa lên tới hàng tỷ USD mỗi năm (riêng trong năm 2021, ngành nhựa Việt Nam phải nhập khẩu 11 tỷ USD hạt nhựa nguyên sinh và 8 tỷ USD nhựa thành phẩm, bán thành phẩm). Cùng với đó là đầu tư công nghệ tái chế nhựa thuộc loại không quá tốn kém, phù hợp với điều kiện, năng lực của ngành công nghiệp Việt Nam. Nếu có ngành công nghiệp tái chế đạt chuẩn, ngành cơ khí chế tạo thiết bị tái chế cũng sẽ có động lực phát triển. Mặt khác, sẽ tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp…
Theo PGS-TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, cần cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án tái chế nhựa bằng việc xây dựng các quy định tài trợ đơn giản hơn. Chính phủ cũng có thể “làm gương” bằng cách thực hiện mua sắm công xanh và dán nhãn các sản phẩm nhựa tái chế. Cùng với đó là sự chung tay của cả cộng đồng và những “chiến dịch” truyền thông cần được tiến hành thường xuyên dưới nhiều hình thức khác nhau, hướng đến mọi đối tượng trong xã hội.
|
BẢO VÂN (theo SGGP)
Bình luận (0)