Cuối tháng 11.2018, TP.HCM chính thức áp dụng quy định về phân loại rác tại nguồn cho mọi người dân sinh sống trên địa bàn TP. Cũng tại thời điểm này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP chính thức cho ra mắt phần mềm ứng dụng hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn mGreen. Theo đó, hộ dân tham gia dự án, khi tải phần mềm về trên thiết bị điện thoại di động thông minh sẽ được cung cấp thẻ tích điểm điện tử và thùng đựng rác tái chế. Ứng dụng sẽ cung cấp cho người dùng các thông tin về hướng dẫn phân loại các nhóm chất thải thành 3 loại: rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại, quy trình thu gom,cách nhận biết từng nhóm chất thải, ý nghĩa của việc phân loại rác, quy định xử phạt hành vi không phân loại…
Khi thùng rác đã đầy, các hộ gia đình sẽ mở thẻ, nhấn nút gọi thông báo tới bên thu gom. Dựa trên lượng rác thải tái chế do bên thu gom sẽ xác định, cư dân sẽ được tích điểm thưởng vào thẻ hộ gia đình. Số điểm này được đổi thành quà qua ePoint – sử dụng khi mua sắm, ăn uống, giải trí.
Trước khi triển khai tại TP.HCM, ứng dụng phân loại rác áp dụng công nghệ 4.0 này đã được thí điểm tại một số chung cư tại Hà Nội và nhận được sự ủng hộ của hầu hết các hộ gia đình. Sau gần 2 tháng tải app mGreen, chị Huỳnh Thanh Hải (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết từ khi có ứng dụng, tất cả các thành viên trong gia đình chị đều hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc phải phân loại rác tại nguồn, thực trạng rác thải, tác hại của rác thải tới môi trường…
"Vì có sẵn trên điện thoại di động nên ứng dụng rất tiện lợi. giao diện đơn giản, dễ sử dụng. Nhà có trẻ con nên việc giáo dục các cháu từ nhỏ về vấn đề rác thải, bảo vệ môi trường có ý nghĩa rất lớn. Chưa kể còn được tích điểm, quy đổi thành những nhu yếu phẩm hằng ngày gia đình sử dụng. Vừa ích nước lợi nhà, tội gì không dùng" – chị Hải chia sẻ.
TP.HCM đang nỗ lực khuyến khích người dân tự giác phân loại rác tại nhà. Ảnh: Ngọc Dương
Trao đổi với PV, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết UBND TP rất hoan nghênh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phân loại rác. Mỗi ngày, trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 8.300 tấn rác sinh hoạt, cao điểm có ngày lên đến 9.200 tấn, chiếm hơn 40% nguồn phát thải. Để thu gom, vận chuyển và xử lý lượng rác thải khổng lồ này, mỗi năm thành phố phải tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng.
"Những mô hình như mGreen sẽ giúp người dân tạo lập thói quen phân loại rác tại nguồn, từ đó giảm thiểu chi phí xử lý rác, tăng hiệu quả hoạt động cho các nhà máy xử lý rác thải, chung tay giải quyết vấn đề môi trường cho thành phố" – Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nhận định và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tuyên truyền, ứng dụng khoa học trong phân loại rác, đặc biệt là các tổ chức thu gom rác dân lập.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng.
|
Theo Hà Mai/TNO
Bình luận (0)