Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phân loại tuổi nghỉ hưu theo ngành nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012 mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang lấy ý kiến là nghiên cứu, đề xuất lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp. Do đây là vấn đề “thiết thân” với người lao động, nên được xã hội rất quan tâm.

NHIỀU Ý KIẾN TRÁI CHIỀU
Để có tiếng nói đồng thuận về mức tuổi nghỉ hưu, xem ra cũng còn nhiều “khúc mắc” ngay trong các cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực
Theo Bộ LĐTBXH, có hai lý do chính dẫn tới việc phải điều chỉnh tăng tuổi hưu.
Thứ nhất, quá trình già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh. Thống kê hiện nay, hơn 10% dân số Việt Nam là người cao tuổi (trên 60 tuổi). Đến năm 2038, tỷ lệ này sẽ tăng lên gấp đôi, đến 20%. “Với tỷ lệ già hóa như hiện nay, khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ cần phải sử dụng lực lượng lao động là người có tuổi”, đại diện Bộ LĐTBXH cho biết. Theo đại diện này, vấn đề mà cơ quan quản lý đặt ra là cân đối trong việc sử dụng nguồn nhân lực, theo đó vừa sử dụng được người già, mà vẫn tạo cơ hội cho lao động trẻ phát triển.
Thứ hai, là việc cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH). Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Tỷ lệ đóng BHXH ở Việt Nam là 22%, nhưng tỷ lệ hưởng tối đa là 75%, mức hưởng thuộc hàng cao nhất trong khu vực. Do đó, khi xây dựng Luật BHXH 2014, Bộ LĐTBXH phối hợp Tổ chức Lao động thế giới (ILO) đã đưa ra dự báo rằng nếu không sửa đổi chính sách, thì không đảm bảo cân đối quỹ BHXH trong dài hạn. Theo tính toán, thu và chi trong năm của Quỹ BHXH chỉ đảm bảo cân đối đến năm 2021. Các năm sau đó, chi trong năm sẽ cao hơn thu và sẽ phải lấy thêm nguồn từ Quỹ tồn dư BHXH, tuy nhiên việc này cũng chỉ có thể kéo dài đến năm 2031, sau đó thì không thể cầm cự được nữa”.

Người lao động không muốn tăng tuổi hưu đối với nhiều loại công việc nặng nhọc.

Một trong các giải pháp để không vỡ quỹ BHXH là phải tăng số người tham gia đóng, cũng như thời gian đóng BHXH. Trong khi đó, điều 187 Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật, được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

“Khi xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi 2014, cũng đã có ý kiến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nữ lên 58 tuổi và nam lên 62. Tuy nhiên, nội dung này dẫn tới tranh cãi gay gắt, nên Quốc hội khóa 13 khi thông qua Luật BHXH vẫn giữ nguyên quy định về tuổi hưu như cũ”, ông Nguyễn Duy Cường cho biết.
Nên giữ nguyên
Cái lý của Bộ LĐTBXH là như thế, tuy nhiên, về phía Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam lại cho rằng, không có quốc gia nào điều chỉnh tăng tuổi hưu khi đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng và tỉ lệ thất nghiệp của lao động trẻ còn cao.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phân tích: “Tăng tuổi hưu sẽ tăng sức ép về việc làm. Do đó, khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cần phải xem xét yếu tố về sức khỏe, điều kiện môi trường làm việc của người lao động, nhất là lao động nữ. Đối với khu vực doanh nghiệp sản xuất như dệt may, da giày, cao su, xây dựng… hiện nay khó có thể làm việc cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu như đề xuất. Thậm chí nhiều doanh nghiệp khu công nghiệp (KCN) chỉ muốn nhận lao động trẻ dưới 30 tuổi. Bên cạnh đó, nếu tăng tuổi hưu sẽ làm tăng sức ép về việc làm, giảm cơ hội phát triển đối với lao động trẻ”.
Về phía người lao động, cũng rất nhiều người e dè với việc tăng tuổi về hưu, nhất là lao động trong những lĩnh vực đặc biệt. “Tôi làm công nhân may, dù mới 40 tuổi, nhưng sức khỏe không còn như trước, khiến năng suất không bằng thợ trẻ. Do đó, tôi chỉ định làm thêm vài năm nữa cho đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, rồi sẽ chuyển nghề khác và đợi đến tuổi nghỉ hưu. Với ngành may, nếu là công nhân thì tôi còn muốn hạ tuổi nghỉ hưu xuống”, chị Nguyễn Bích Hồng, công nhân may tại quận Long Biên (Hà Nội) cho biết.
Thậm chí theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp nhà nước, nhiều trường hợp đã đóng hơn 20 năm BHXH, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, đã sẵn sàng xin thôi việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp và đợi đến tuổi để nghỉ tính lương hưu.
“Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ngoài việc căn cứ trên dữ liệu về dân số, còn phải tính toán thêm nhiều vấn đề có liên quan như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phúc lợi xã hội, giới tính, ngành nghề… Đặc biệt đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cần có những nghiên cứu, khảo sát xã hội học từ chính người lao động với từng ngành nghề cụ thể và nên để người lao động quyết định”, bà Thu Giang, Viện phó Viện Light cho biết.
Đồng quan điểm này, bà Phạm Thị Thu Hương, Trưởng phòng nhân sự của Công ty Yamaha cho rằng: “Độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay là hợp lý. Nếu muốn duy trì và tận dụng chất xám những người có trình độ kỹ thuật đã đến tuổi nghỉ hưu, thì doanh nghiệp vẫn có thể ký kết hợp đồng lao động. Thực tế các nước như Singapore, Australia đều triển khai theo hình thức này”.

Theo quy định, người lao động có thể được nghỉ sớm hơn tuổi lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định.

Xuân Cường/ Tin tức
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)