Thí sinh không chỉ cần quan tâm đầu vào mà còn đầu ra của các ngành nghề đào tạo (ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: Diệp An |
Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nguồn nhân lực – Bộ GD&ĐT vừa hoàn thành nghiên cứu việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nghiên cứu này đã khảo sát tình hình việc làm trong khoảng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 1.619 sinh viên đến từ 15 trường đại học (ĐH), học viện trên cả nước.Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm chiếm 88,3% trong tổng số người trả lời phỏng vấn.
5 trở ngại lớn nhất
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra 5 khó khăn, trở ngại lớn nhất mà sinh viên gặp phải khi tìm kiếm việc làm. Đó là thiếu hoặc không có thực tiễn và kinh nghiệm nghề nghiệp; thiếu kỹ năng ngoại ngữ, vi tính; thị trường lao động bão hòa; thiếu hiểu biết về thị trường lao động; và công việc được nhận không có mức lương đảm bảo.
Phân tích tình trạng việc làm của sinh viên theo kết quả xếp loại tốt nghiệp cho thấy, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp tăng dần theo thứ hạng. Sinh viên tốt nghiệp với thứ hạng càng cao thì tỷ lệ có việc làm càng cao. Nếu tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp loại trung bình chỉ là 77,8% thì tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc là 94,5%.Chỉ có 1,8% sinh viên xuất sắc hiện thất nghiệp. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, thực trạng này là một minh chứng rất sinh động về nỗ lực học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức của sinh viên khi ngồi trên giảng đường.
Từ kết quả khảo sát được thực hiện một cách độc lập trên quy mô lớn, nhóm nghiên cứu đề xuất Bộ GD&ĐT cần nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu nhân lực. Đối với trường ĐH, cần xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo có sự tham gia của bên tuyển dụng lao động. Sinh viên cần tự tăng cường, trang bị những kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động. |
Xem xét việc làm của sinh viên tốt nghiệp dưới góc độ phân tách theo khối, nhóm ngành đào tạo, sinh viên tốt nghiệp thuộc nhóm ngành Y dược chiếm tỷ lệ có việc làm cao nhất (hơn 96%), tiếp theo là nhóm Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật, Nông lâm-Ngư nghiệp và cuối cùng là nhóm Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục thể thao, Nghệ thuật. Khối ngành Y dược được coi là ngành “hot” và luôn có điểm thi tuyển sinh cao vào loại nhất nhì trong số các khối ngành.
Hơn 90% làm công ăn lương
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng,hơn 93% sinh viên sau khi tốt nghiệp đã có việc làm chủ yếu là làm công ăn lương. Như vậy, tỷ lệ sinh viên tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH còn rất thấp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh viên thay đổi việc làm sau khi tốt nghiệp là tương đối cao, đặc biệt là nhóm sinh viên nữ, dân tộc thiểu số và đối tượng thuộc diện nghèo. Trong số sinh viên đang có việc làm, tỷ lệ sinh viên đã thay đổi công việc chiếm hơn 40%. Tỷ lệ này phản ánh sự lựa chọn công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngày càng linh hoạt. Sinh viên thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo cũng có tỷ lệ thay đổi việc làm cao hơn đáng kể so với sinh viên không thuộc hộ nghèo. Kết quả này cho thấy sinh viên thuộc nhóm yếu thế thường sẵn sàng làm các công việc khác nhau và luôn tìm các cơ hội công việc tốt hơn.
Tần suất thay đổi việc làm ở nữ sinh viên cao hơn nam, ở người dân tộc cao hơn người Kinh, thuộc hộ nghèo, cận nghèo cao hơn hộ không nghèo. Kết quả khảo sát cho thấy, sinh viên có số lần thay đổi công việc sau khi tốt nghiệp trung bình là 1,8 lần, và người thay đổi công việc nhiều nhất là 6 lần kể từ khi tốt nghiệp.
Các kênh tìm việc của sinh viên khá phong phú. Công việc hiện tại sinh viên tìm được chủ yếu thông qua mạng xã hội hoặc mạng lưới nghề nghiệp; liên hệ với nhà tuyển dụng; thông qua liên hệ cá nhân và qua cổng thông tin, trang web của công ty và tin tuyển dụng. Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là sinh viên có được làm đúng ngành nghề đào tạo hay không. Khảo sát cho thấy, hơn 60% sinh viên sau tốt nghiệp đang có việc làm nói rằng, công việc và ngành nghề đào tạo gắn kết ở mức nhiều và đáng kể. Tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng với yêu cầu trình độ giáo dục mà sinh viên đã học là tương đối cao.
Vấn đề thu nhập của sinh viên cũng được nhóm nghiên cứu khảo sát. Mức thu nhập chủ yếu của sinh viên là từ hơn 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng (35,5%), tiếp đến là hai mức từ hơn 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng và từ hơn 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/tháng (21,5%).
Hiện nay, bằng nhiều hình thức khác nhau, các trường ĐH có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên trong quá trình tìm việc. Về tổng thể, ở tất cả các tiêu chí, đơn vị tuyển dụng đánh giá mức độ đáp ứng giữa đào tạo đối với yêu cầu công việc đều trên mức trung bình. Tiêu chí được đánh giá cao nhất là kỷ luật lao động với điểm trung bình 3,6; thấp nhất là khả năng ngoại ngữ với 3,3 điểm (thang điểm tối đa là 5).
Rõ ràng, mức độ đáp ứng giữa đào tạo đối với yêu cầu công việc tuy đều được các nhà tuyển dụng đánh giá trên trung bình, nhưng chỉ ở mức đạt yêu cầu, chứ không phải được đánh giá cao. Đây cũng là một trong những nội dung mà cơ sở đào tạo và sinh viên cần tăng cường trang bị, hoàn thiện thêm.
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)