Thầy Nguyễn Phùng Tấn, Phó trưởng khoa Cơ khí, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cho biết: “Mỗi năm có tới gần 40% học viên, sinh viên (HV-SV) nhà trường bỏ học giữa chừng. Lý do là một phần các em xem học nghề như chỗ dừng chân tạm bợ, “chờ thời” để ôm mộng ứng thí vào ĐH-CĐ ở kỳ thi năm sau, phần vì khi đăng ký học các em còn rất mơ hồ về ngành nghề mình lựa chọn”.
Các em học sinh phổ thông đang học hướng nghiệp ở Trung tâm Hướng nghiệp quận Gò Vấp. Ảnh: V.M |
Lãng phí
Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (Q.1) là một trong những trường có chất lượng đào tạo nghề nằm trong “top” dẫn đầu trong khu vực, vì có chất lượng đào tạo tốt. Tuy nhiên, nhiều HV-SV vào học nghề nhưng vẫn ôm mộng vào ĐH ở năm sau nên không ít HV-SV đã “bỏ cuộc chơi” với học nghề. Tình trạng này ở các trường khác còn thê thảm hơn nhiều. Thậm chí nhiều trường tuyển đủ HV-SV vào học nghề nhưng sau một năm con số này chỉ còn lại khoảng 20% số HV-SV so với ban đầu. Do vậy, không ít trường đã “đánh bài” tuyển dư thí sinh (TS) để dự phòng khi các em bỏ học. Đó là thực trạng buồn mà hầu hết các cơ sở đào tạo nghề hiện nay đang gặp phải.
Ở góc độ khác, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Kỳ thi ĐH-CĐ năm 2009, cục có khảo sát về số điểm của các TS thi ĐH-CĐ. Trong gần 1,3 triệu TS dự thi thì có đến 700 ngàn TS dưới điểm sàn, đặc biệt có đến 300 ngàn TS có kết quả thi ĐH-CĐ tổng 3 môn dưới 2 điểm. Mặt khác, cả nước có khoảng gần 300 ngàn học sinh (HS) rớt tốt nghiệp THPT, nếu tính tổng số TS “lỗi hẹn” với giảng đường ĐH-CĐ lên đến hơn 1 triệu HS. Nhưng một nghịch lý là chỉ có khoảng 1/3 TS trong số này vào học nghề”.
Hệ quả là có tới 70% học sinh phổ thông phải bước vào đời mà chưa được giáo dục hướng nghiệp, trang bị nghề nghiệp. Gần 90% học sinh học hết THCS, THPT không sẵn sàng tham gia vào thị trường việc làm, chỉ muốn học lên! Và chỉ 15-20% lao động hiện nay được đào tạo nghề. Nếu làm tốt phân luồng sau THCS, THPT thì số HS này sẽ vào học nghề, định hướng nghề nghiệp sớm thì sẽ giảm bớt một khoản chi phí lớn cho gia đình và xã hội, tránh tác động tiêu cực đến tính hiệu quả của hệ thống GD-ĐT.
Thầy Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho biết: “SV vào trường học, khi được hỏi về việc hướng nghiệp thì các SV phần lớn cho rằng chọn ngành nghề theo cảm tính, mơ hồ. Nhà trường phải đào tạo thêm nhiều kỹ năng mềm để khi ra trường các em tiếp cận với công việc tại doanh nghiệp được tốt”.
Thiếu lực
Trong chương trình giáo dục hướng nghiệp được Bộ GD-ĐT ban hành từ năm 2006, tổng cộng có 81 tiết học, phân bổ cho mỗi khối THPT 27 tiết, mỗi tháng chỉ học ba tiết. Trong các buổi hướng nghiệp, các trường thường tổ chức cho học sinh hoạt động theo kiểu: chia nhóm, trò chơi theo chủ đề, tổ chức tham quan, nghe giới chuyên môn trao đổi… Nội dung bao gồm nhiều lĩnh vực: định hướng nghề nghiệp, giới tính sức khỏe trong chọn nghề, các nghề theo lĩnh vực… Với thời lượng và nội dung như vậy thì hướng nghiệp ở phổ thông chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”.
Thầy Nguyễn Văn Quý, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú (Q.9) lý giải: “Một tiết học nghề của HS ở trung tâm hướng nghiệp chỉ được phép thu 500 – 800 đ/tiết. Với HS cuối cấp THCS chương trình khoảng 90 tiết thì cả khóa học HS chỉ đóng 45.000đ – 60.000đ và khối 11 với chương trình 180 tiết thì mất 90.000đ – 120.000 đ/khóa. Còn lương cho giáo viên dạy nghề phổ thông tại các trường hiện nay vẫn còn quá thấp, một tiết dạy chỉ từ 5.000 – 10.000đ (đó là tính cả phụ cấp thêm của một số trường – PV). Với mức thu như vậy thì thiếu lực để vực dậy vấn đề phân luồng ở phổ thông hiện nay”.
Thầy Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thủ Đức cho biết: “Phân luồng, hướng nghiệp ở phổ thông chưa có giải pháp căn cơ. Một số trường có tổ chức cho HS đi tham quan các công ty, xí nghiệp sản xuất, nhưng điều đó chưa đủ, phần lớn còn mang tính hình thức, trong khi giáo dục hướng nghiệp cần phải thiết thực, sát với thực tế nhu cầu của các em HS”. Theo thầy Lưu Văn Thành, Trưởng phòng GD-ĐT quận 4 thì: “Giáo dục hướng nghiệp mặc dù đã có trong chương trình phổ thông nhưng học lại không qua thi cử, do vậy nhiều trường chỉ dạy – học qua loa”. Ở góc độ khác thầy Bùi Mạnh Lân, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Đồng An cho rằng: “Cách tốt nhất để phân luồng cho HS là nhà trường phải đưa HS đến với các trường đào tạo nghề để các em có điều kiện thăm các trường, lắng nghe các chuyên gia, để biết thông tin, sở thích về ngành học mình muốn chọn. Nhà trường nên dành thời gian cho việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa; tập huấn cán bộ, giáo viên, câu lạc bộ kỹ năng của trường…”.
Văn Mạnh
TS. Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ TCCN (Bộ GD-ĐT) khẳng định: “Việc phân luồng, hướng nghiệp các HS học nghề còn hạn chế là do nhận thức trong xã hội còn mang nặng tính khoa bảng; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác giáo dục phân luồng hiện nay ở phổ thông còn yếu; các cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng tốt được nhu cầu người học; chương trình đào tạo trong các cơ sở dạy nghề và khả năng liên thông từ trung cấp lên CĐ-ĐH cũng còn nhiều điều cần bàn lại…”. |
Bình luận (0)