Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phân luồng học sinh sau THCS: Bài cuối: Tăng cường hơn nữa công tác hướng nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Khoảng 80-90% HS các trường chuyên nghiệp tốt nghiệp có việc ổn định nhưng nhiều bạn trẻ vẫn “quay lưng” với loại hình đào tạo này

Mặc dù công tác tuyên truyền hướng nghiệp học sinh (HS) THCS đã được đẩy mạnh nhưng hàng năm số lượng HS vào học các trường TCCN vẫn không nhiều.
Tuyển không đủ chỉ tiêu
Hầu hết các trường chuyên nghiệp do Sở GD-ĐT TP.HCM quản lý đều tuyển HS THCS nhưng số lượng chỉ bằng 1/3 so với chỉ tiêu tuyển HS tốt nghiệp THPT. Cụ thể, năm 2011, Trường TC Bến Thành tuyển 1.500 chỉ tiêu nhưng chỉ có 450 chỉ tiêu dành cho HS THCS; Trường TC Tổng hợp TP.HCM tuyển 1.700 chỉ tiêu nhưng chỉ có 300 chỉ tiêu cho HS THCS… Một điều dễ nhận thấy là chỉ tiêu tuyển sinh tuy không nhiều nhưng năm nào các trường cũng tuyển không đủ, trường nào tuyển nhiều nhất là khoảng 70-80%.
Cô Diệp Thị Thùy Linh, Phòng công tác HS Trường TC Vạn Tường, cho biết: “Mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh sau THCS không nhiều bằng HS tốt nghiệp THPT, trong đó nhà trường có nhiều chính sách ưu tiên như miễn giảm học phí cho các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cấp học bổng cho HS nghèo học giỏi… nhưng hàng năm trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 của trường là 1.450 em, trong đó tuyển 430 HS sau THCS.Năm nay, Bộ GD-ĐT cấm các trường ĐH tuyển sinh hệ TC nên nhà trường hi vọng sẽ tuyển đủ chỉ tiêu đề ra”.
Tương tự, Trường TC Tây Sài Gòn nhiều năm nay chỉ tuyển đạt khoảng 60-70% chỉ tiêu đề ra. Ông Đậu Xuân Ngọc, chuyên viên tư vấn tuyển sinh của trường này cho hay: Ngoài chương trình đào tạo nghề và văn hóa, chúng tôi còn mở nhiều câu lạc bộ trau dồi kỹ năng và giới thiệu việc làm cho các em khi còn học ở trường… nhưng năm nào cũng chỉ tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu đề ra. Năm nay trường dự kiến tuyển 1.200 em, trong đó không giới hạn chỉ tiêu bậc THCS so với THPT”. Hay như Trường TC Công nghệ Bách khoa TP.HCM không giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh sau THCS, trong đó tỷ lệ HS ra trường có việc làm rất cao nhưng hàng năm trường vẫn gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Vì sao HS “quay lưng” với trường nghề?
Trường THCS Điện Biên (quận Bình Thạnh) là một trong những trường có nhiều HS hoàn cảnh gia đình khó khăn. Năm học 2009-2010, trường chỉ có 20% HS vào công lập; năm học 2010-2011 số HS vào công lập cao hơn 40%… Cô Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Năm học trước trường có 115 em tốt nghiệp THCS thì có 40 em vào công lập, 9-10% em vào trường dân lập, 20% học ở trung tâm GDTX, số còn lại đăng ký vào trường TCCN. Tuy nhiên, một số phụ huynh báo lại với nhà trường là con em họ buộc phải nghỉ học để phụ giúp gia đình hoặc nghỉ học TCCN vì không đủ tiền để đóng các chi phí trước khi vào trường (3-4 triệu đồng/học kỳ)”. Trong khi đó, Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận) năm học vừa qua có tới 25% HS không đỗ vào trường THPT công lập nhưng đa số phụ huynh đều cho con học tiếp ở các trường tư thục, vào trường nghề chỉ khoảng 3-5%. Hay như Trường THCS Lê Lợi (quận 3), năm học 2010-2011 có 500 HS tốt nghiệp thì chỉ có 5 em vào trường nghề.
Thầy Đoàn Bá Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Tất Tố, cho biết trong quá trình mời phụ huynh trực tiếp vào trường tư vấn chọn trường cho con, có rất ít phụ huynh đề cập việc chọn trường nghề cho con. Hầu hết phụ huynh đều quyết định dù thế nào cũng cho con học hết phổ thông, lấy bằng THPT rồi sau đó sẽ tính tiếp mặc dù nhà trường đã giải thích rõ cho họ biết học trường TCCN có những ích lợi như thế nào. Vì vậy, công tác hướng nghiệp cần phải được đẩy mạnh hơn nữa mới xóa bỏ được tâm lý “trọng thầy khinh thợ” của xã hội hiện nay”.
Bài, ảnh: Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)