Lần đầu tiên, sau một thời gian dài, các nhà quản lý giáo dục trong cả nước đã cùng tiếp cận và bàn giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT tại một hội thảo do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chủ trì diễn ra tuần qua. Sự thiếu định hướng nghề nghiệp cho học sinh cùng những hạn chế trong hệ thống đào tạo nghề đã được các chuyên gia phân tích, mổ xẻ…
Tắc nghẽn và lãng phí
Buổi thực hành trên máy của các học viên Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm
|
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (GDCN), 2 năm học vừa qua, trong số hơn 1,4 triệu học sinh tốt nghiệp THCS, tỷ lệ học sinh tiếp tục vào học ở hệ THPT xấp xỉ 70%. Trong khi đó, tỷ lệ học bổ túc THPT chỉ chiếm hơn 7% và số học sinh vào học trong các cơ sở dạy nghề và TCCN còn thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng 4,3%. Sau bậc THPT, hơn 40% học sinh vào các trường ĐH, CĐ, số vào học TCCN chiếm hơn 30%, khoảng gần 30% còn lại vào học nghề hoặc chưa tiếp tục học. Cộng cả số học sinh tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp hằng năm thì con số này lên đến gần 400 nghìn. "Nếu những học sinh này được học nghề từ sớm thì hiệu quả kinh tế cao hơn", ông Vinh nhận định.
Những nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng cho thấy, 70% học sinh hiện không được giáo dục hướng nghiệp đầy đủ, dẫn tới đa số chưa hình thành được tính sẵn sàng lao động nghề nghiệp, chưa được chuẩn bị tốt để tham gia thị trường việc làm. Chuyên gia của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhận định: Hoạt động hướng nghiệp để hình thành tiềm năng nghề nghiệp cho học sinh còn mờ nhạt, chưa tạo ra sự khác biệt ở năng lực, phẩm chất, điều kiện cốt lõi chi phối tiềm năng nghề của một cá nhân như năng lực ứng phó, tâm lực và các kỹ năng hay năng lực xã hội. Học sinh THPT bị "tắc đường" khi 90% học sinh lớp 12 xác định sẽ học lên ĐH, CĐ. Sự phân luồng không hiệu quả đã dẫn đến sự lãng phí rất lớn khi đa số học sinh thi ĐH chỉ để… trượt.
"Dồn toa" vì quy mô không hợp lý
Theo bà Tạ Song Hà, Phó Trưởng phòng GDCN Sở GD-ĐT Hà Nội: Với điều kiện kinh tế khá giả, các gia đình đều muốn hướng cho con em mình theo đuổi con đường học vấn tới ĐH. Bên cạnh đó, học sinh tốt nghiệp THCS ở các đô thị lớn có thể dễ dàng tìm cho mình một chỗ học ở các trường THPT ngoài công lập nếu không thi đỗ trường công lập. Vì vậy, con đường vào các trường học nghề càng ít được lựa chọn. Theo Sở GD-ĐT, năm 2008 con số học sinh trượt tốt nghiệp THPT của Hà Nội lên đến hàng nghìn em nhưng chỉ có hơn 500 em vào học tại các trường TCCN của thành phố.
Việc các cơ sở đào tạo TCCN tập trung nhiều ở khu vực đô thị và vùng kinh tế phát triển cũng ảnh hưởng lớn tới việc phân luồng tại chỗ ở địa phương. Vụ GDCN cũng ghi nhận hơn 84% ý kiến cho rằng, khả năng liên thông hạn chế từ TCCN lên CĐ và ĐH cũng là lý do quan trọng cản trở sự phân luồng.
Sự "dồn toa" cũng xuất phát từ việc tăng quy mô quá nhanh của các trường THPT trong khi hệ thống các cơ sở đào tạo sau trung học chưa đáp ứng nổi nhu cầu học tập của học sinh sau khi tốt nghiệp.
Doanh nghiệp cần chung tay hướng nghiệp
Bàn về các giải pháp "thông đường" cho giáo dục nghề nghiệp, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta đang thiếu hẳn mảng quản lý nhà nước và vận động xã hội cho công tác phân luồng. Tại sao chúng ta lại không thành lập các ban chỉ đạo hướng nghiệp để huy động mọi nguồn lực cùng tham gia? Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB&XH Cao Văn Sâm khẳng định: "Để đẩy mạnh phân luồng học sinh, bên cạnh việc trước tiên là thay đổi quan niệm sính bằng cấp của xã hội, học tập không theo nhu cầu thực, chúng ta phải thay đổi từ chính sách trả lương, thu nhập đối với người học nghề vì chính sách lương bổng có tác động mạnh tới phân luồng".
Kết luận về các giải pháp phân luồng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "Một mình ngành giáo dục không thể làm nổi!" Doanh nghiệp phải có trách nhiệm hỗ trợ với phương châm "mỗi doanh nghiệp là một đơn vị hướng nghiệp", vì đào tạo lao động là để doanh nghiệp sử dụng. Phó Thủ tướng nêu ý kiến: Nên chăng xem xét lại chương trình giáo dục từ lớp 6 tới lớp 11, bố trí để ít nhất mỗi năm một lần học sinh được thăm các đơn vị sản xuất, tham quan thực tiễn. "Trăm nghe không bằng một thấy", các em tận mắt thấy có rất nhiều người lao động trực tiếp chứ không phải chỉ toàn kỹ sư và hiểu được sự cần thiết của việc học nghề. Ngoài ra, phân luồng học sinh mới chỉ là bước ban đầu, quan trọng hơn là chất lượng của quá trình đào tạo ở phía sau, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Quỳnh Phạm (HNM)
Bình luận (0)