Phân luồng học sinh sau THCS là một vấn đề quan trọng mà học sinh và phụ huynh phải đối mặt. Thời gian qua, công tác này được đẩy mạnh, đã có nhiều khởi sắc song tỷ lệ phân luồng 30% học sinh sau THCS tiếp tục theo học các hướng khác ngoài lớp 10 THPT công lập vẫn chưa như kỳ vọng.
Theo đánh giá, công tác phân luồng học sinh sau THCS tại TP.HCM thời gian qua dù có nhiều khởi sắc song chưa được như kỳ vọng
Nhiều khởi sắc
Chia sẻ về công tác phân luồng học sinh sau THCS tại đơn vị, cô Nguyễn Thụy Ái (Hiệu trưởng Trường THCS Lữ Gia, Q.11) cho hay, hàng năm căn cứ vào kết quả học tập, năng lực học của học sinh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 sẽ có những tư vấn để phụ huynh và học sinh chọn các hướng đi sau THCS phù hợp. “Thông thường, trước khi học sinh quyết định đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, nhà trường sẽ tổ chức cho các em làm bài kiểm tra 3 môn thi tuyển sinh là văn, toán và tiếng Anh. Kỳ kiểm tra được tổ chức với áp lực phòng thi cũng như ma trận đề thi tương đương như kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập. Từ kết quả bài kiểm tra cộng với điểm số học tập trên lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ có những nhìn nhận, tư vấn phù hợp nhất với phụ huynh và học sinh”, cô Ái cho biết.
Cô Ái cho biết thêm, với những học sinh có học lực yếu, giáo viên chủ nhiệm sẽ gặp gỡ và tư vấn các hướng đi cụ thể phù hợp với năng lực học tập và mong muốn, nguyện vọng của học sinh. Thế nhưng, quyết định cuối cùng vẫn là phụ huynh và học sinh. “Nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp cho phụ huynh và học sinh cuối cấp như giới thiệu làm quen với các trường nghề, chia sẻ những hướng đi sau THCS…, qua đó giúp phụ huynh và học sinh hình dung rõ ràng hơn những lợi thế khi lựa chọn các hướng đi này. Qua mỗi năm học, từ sự phân tích hơn thiệt của giáo viên cũng như từ trải nghiệm thực tế của phụ huynh và học sinh qua các buổi tư vấn, tỷ lệ học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS lựa chọn học THPT ngoài công lập, giáo dục thường xuyên hay học nghề có tăng lên, dù không nhiều nhưng từng bước khởi sắc”, cô Ái phấn khởi nói.
Tương tự, tại Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), thầy Nguyễn Anh Tuấn (Hiệu trưởng nhà trường) đánh giá, thời gian qua công tác phân luồng học sinh tại trường đã có nhiều khởi sắc. Quan niệm nặng nề về trường công, trường tư của đại đa số phụ huynh đã thay đổi. Rất nhiều phụ huynh không còn coi việc học lớp 10 THPT công lập là con đường duy nhất sau khi tốt nghiệp THCS mà chủ động tham khảo, tìm kiếm các hướng đi khác cho con mình nếu sức học của học sinh không đảm bảo thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập. “Không còn tình trạng phụ huynh chọn trường THPT xa nơi cư trú để bằng mọi giá phải đậu lớp 10 THPT công lập. Hướng đi học THPT ngoài công lập đã được phụ huynh nhìn nhận tích cực, từ đó giúp công tác phân luồng của nhà trường đạt hiệu quả hơn”, thầy Tuấn thông tin.
Tỷ lệ 30% vẫn chưa thể… cán đích
Thực hiện đề án hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, hàng năm TP.HCM đều đặt mục tiêu có 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS lựa chọn các hướng đi khác như THPT ngoài công lập, trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên và 70% học sinh tiếp tục theo học lớp 10 THPT công lập. Sau nhiều năm triển khai đề án, tỷ lệ 30% vẫn chưa thể… cán đích.
Trưởng phòng GD-ĐT một quận vùng ven bày tỏ, rất khó để thay đổi được hoàn toàn tư duy, nhận thức của phụ huynh, học sinh và xã hội. Quan niệm sau khi tốt nghiệp THCS phải tiếp tục học lên THPT công lập vẫn tồn tại trong một bộ phận phụ huynh và học sinh. Phụ huynh cho rằng lứa tuổi sau lớp 9 vẫn còn nhỏ, nếu để học sinh theo học trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên…, tốt nghiệp đi làm là ra đời sớm, tội nghiệp cho các em. Dù thời gian qua công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS được các trường THCS đẩy mạnh, có sự phối hợp với trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Tư duy này chính là rào cản chủ yếu làm hạn chế công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS hiện nay tại TP.HCM. “Ở địa phương vùng ven, nhận thức của phụ huynh vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu như công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh sau THCS làm không thực sự khéo thì không những không hiệu quả mà còn gặp phản ứng ngược của phụ huynh và học sinh”, vị trưởng phòng nhìn nhận.
Theo nhiều giáo viên, một trong những rào cản lớn nhất của công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS đó là sự thiếu thông tin về các ngành nghề và những ngành nghề đang được ưa chuộng tại thị trường việc làm. Rất nhiều học sinh chỉ biết một số ngành nghề phổ biến như kiến trúc, y tế hoặc luật, nhưng không có đủ thông tin về các ngành nghề khác như công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh hoặc nghệ thuật. Do vậy, sau THCS, học sinh và phụ huynh luôn quan niệm rằng phải tiếp tục theo học lớp 10 THPT công lập để có thể theo đuổi được các ngành nghề đó.
Đặc biệt, một rào cản khác là học sinh hiện vẫn thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và môi trường xung quanh. Một số gia đình có thể không hiểu được giá trị của một ngành nghề hoặc có thể chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền mà không quan tâm đến sở thích và tài năng của học sinh. Việc chọn các hướng học tập khác cũng có thể trở nên khó khăn khi thiếu sự tư vấn và hướng dẫn từ các trường học. Rất nhiều học sinh cảm thấy hoang mang và không biết nên chọn hướng học nào để đạt được mục tiêu. Cô Hứa Thị Diễm Trâm (Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh) cho rằng, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT thì công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS tồn tại thêm một số “rắc rối” mới như thiếu tài liệu và thông tin cho học sinh, đặc biệt là về các ngành nghề mới hoặc có liên quan đến công nghệ; thiếu hệ thống hỗ trợ hướng nghiệp khi một số trường học có thể chưa có hệ thống hỗ trợ tốt để giúp học sinh chọn hướng nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân; thiếu nguồn nhân lực giảng dạy; thiếu thông tin tư vấn chuyên sâu… “Học sinh sau THCS chưa đủ năng lực, kinh nghiệm để biết được rằng mình thực sự phù hợp với nghề nghiệp nào. Trong khi áp lực từ xã hội và gia đình đôi lúc đặt ra cho học sinh yêu cầu lựa chọn một hướng học để sau này chọn ngành nghề có số lượng việc làm tốt hoặc mức lương cao. Cạnh đó, học sinh hiện vẫn thiếu thông tin chi tiết về các ngành nghề, điều này có thể dẫn đến việc chọn sai hướng nghiệp hoặc gây ảo tưởng về tương lai. Một số học sinh lại chưa được chuẩn bị kinh nghiệm thực tế cho tương lai, điều này có thể gây khó khăn trong định hướng học tập sau THCS”, cô Trâm nói.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)