Dư luận còn đang xôn xao với cách phân luồng quyết liệt của một số trường THPT tại Vĩnh Phúc thì lại đón nhận tiếp thông tin số thí sinh lựa chọn khối C để đăng ký thi đại học thấp đến kinh ngạc.
Nhân viên phòng tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM kiểm tra và phân loại hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2012 – Ảnh: Như Hùng |
Một lần nữa câu chuyện học sinh chỉ tập trung đăng ký dự thi đại học – cao đẳng mà không chịu vào các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hay dạy nghề, chỉ đua nhau chọn các ngành kinh tế – kỹ thuật mà rời bỏ các ngành khoa học xã hội – nhân văn lại được xới lên.
Nguyên nhân chủ yếu
Thực tế, nhiều giải pháp đã được áp dụng để giải quyết những vấn đề đó: tư vấn, tuyên truyền vận động thuyết phục học sinh, khuyến khích vật chất bằng kinh phí nhà nước, rồi cả những biện pháp hành chính mang tính cưỡng bách… Nhưng những vấn đề đó vẫn tồn tại dai dẳng mà chưa được giải quyết một cách cơ bản vì chưa tìm được đúng nguyên nhân để áp dụng giải pháp đúng đắn.
Lỗi thời các khối thi
Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia tuyển sinh đại học theo bốn khối A, B, C, D là bất cập và lỗi thời, đến nỗi những năm qua phải bổ sung hàng loạt khối thi “phụ” (H, K, M, N, R, S, T, V) và năm nay lại có thêm khối A1, vậy mà vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào để thay thế. Chính cách thức tuyển sinh như vậy đã khiến việc phân luồng để chọn ngành đào tạo của học sinh trở nên bất hợp lý và thiếu chính xác, dẫn đến việc hạ thấp giá trị các môn xã hội – nhân văn.
|
Những vấn đề trong công tác phân luồng tuyển sinh xuất phát từ một số vướng mắc trong thực trạng của nền giáo dục hiện hành. Trước hết, đó là sự tách rời “giáo dục nghề nghiệp (gồm TCCN và dạy nghề)” (điều 4 Luật giáo dục) thành một hệ đào tạo riêng, không nằm trong hệ thống giáo dục phổ thông và cũng không thuộc hệ thống giáo dục đại học. Vướng mắc này xuất phát từ quan điểm sai lầm, coi giáo dục phổ thông chỉ có chức năng dạy văn hóa và khoa học cơ bản chứ không dạy nghề. Do quan điểm này, chương trình THPT nước ta chỉ dạy các môn văn hóa và khoa học cơ bản, không có các ban giáo dục chuyên nghiệp hay dạy nghề.
Vì thế sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh chỉ có lựa chọn duy nhất là học lên đại học hoặc cao đẳng, khó có thể buộc các em quay lại học TCCN, càng khó bắt các em lùi lại để đi học nghề. Thêm nữa, sự phân biệt giữa các trường TCCN với “trung cấp nghề”, giữa bậc học cao đẳng với “cao đẳng nghề” lại tạo thêm một rào cản khiến học sinh không muốn vào các trường nghề.
Chương trình THPT như vậy, lại được xây dựng theo định hướng đào tạo học sinh thành các “nhà khoa học” mà không chú trọng định hướng nghề nghiệp để phân luồng học sinh ngay từ đầu cấp học theo nhu cầu của thực tiễn xã hội. Do đó, việc số học sinh có nguyện vọng theo học các ngành kinh tế-kỹ thuật công nghệ đông hơn hẳn so với số em muốn trở thành các nhà nghiên cứu hay giáo viên các môn khoa học xã hội – nhân văn (thường được tuyển sinh bằng khối C) là lẽ đương nhiên. Hơn nữa, chương trình đào tạo của các trường đại học lại thiếu vai trò của các môn khoa học xã hội – nhân văn trong các ngành kinh tế, quản trị hay nghệ thuật nên số lượng thí sinh dự thi các môn khối C lại càng sút giảm. Dĩ nhiên, việc giảng dạy với chất lượng không cao và hiệu quả thấp cũng là nguyên nhân quan trọng khiến các môn xã hội-nhân văn bị giảm giá trị khi học sinh lựa chọn ngành nghề.
Nói chung, nguyên nhân chủ yếu của các vấn đề về phân luồng tuyển sinh nằm ở hệ thống tổ chức giáo dục, chương trình học cùng chất lượng dạy học và cách thức tổ chức thi tuyển.
Giải pháp cơ bản cho các vấn đề
Để giải quyết triệt để những vấn đề phát sinh trong công tác tuyển sinh sau trung học, cần áp dụng đồng bộ những giải pháp khoa học. Trước hết, phải đổi mới hệ thống giáo dục theo quan điểm khoa học hiện đại, coi định hướng nghề nghiệp và dạy nghề là chức năng của giáo dục phổ thông. Theo đó, cần chỉnh sửa cấu trúc của cấp THPT để chuyển nó thành cấp trung học chuyên ban bao gồm cả THPT và trung học chuyên nghiệp. Từ đó sẽ xây dựng lại một chương trình học phân ban, bao gồm cả các môn văn hóa, khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng và dạy nghề. Hầu hết các ban đều rộng đường học lên đại học (ngoại trừ một số ít nghề không cần đến trình độ cử nhân). Đồng thời phải giải quyết triệt để vấn đề rắc rối do cơ chế quản lý đẻ ra về sự phân biệt giữa hệ TCCN với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề. Chương trình TCCN phải thống nhất với chương trình trung cấp nghề để trở thành chương trình trung học chuyên nghiệp nằm trong hệ thống giáo dục phổ thông. Chương trình cao đẳng với chương trình cao đẳng nghề cũng phải thống nhất với nhau để trở thành chương trình cao đẳng duy nhất thuộc hệ thống giáo dục đại học.
Chương trình đào tạo của các trường đại học và cao đẳng cũng cần được điều chỉnh theo hướng kết hợp hài hòa những giá trị của khoa học tự nhiên với khoa học xã hội – nhân văn và khoa học về tư duy. Sau cùng, cần đổi mới triệt để công tác tuyển sinh đại học – cao đẳng, theo hướng bỏ kỳ thi quốc gia tuyển sinh đại học với các khối hiện hành, trao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường tự tổ chức. Căn cứ vào thành quả học tập của học sinh theo từng chuyên ban ở trung học và những yêu cầu riêng về chuyên môn nghiệp vụ của mình, mỗi trường đại học hay cao đẳng sẽ tự đề ra cách thức tuyển chọn sinh viên cho mình.
Với những giải pháp nêu trên, học sinh phổ thông sẽ được phân luồng một cách tự nhiên theo nguyện vọng ngay từ khi bước vào bậc trung học chuyên ban. Những học sinh tốt nghiệp các ban THPT có thể thẳng đường học lên đại học, những em tốt nghiệp các ban trung học chuyên nghiệp và dạy nghề có thể yên tâm ra đời kiếm sống hay tiếp tục học lên cao đẳng hoặc đại học tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của mình. Số người dự thi và theo học các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội – nhân văn sẽ đạt đến một sự cân bằng dựa trên giá trị đích thực của mỗi bộ môn theo mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực. Việc phân chia các khối thi đại học không còn được đặt ra, nên các vấn đề về phân luồng thí sinh và những vấn đề khác trong công tác tuyển sinh sẽ được giải quyết một cách cơ bản.
Theo TTO
Bình luận (0)