Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phân luồng, hướng nghiệp: Cần phải đồng bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THCS Trương Văn Ngư (Q.Thủ Đức) trong chương trình Hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức
Việc không phân luồng, hướng nghiệp (PLHN) cho học sinh (HS) sau THPT sẽ làm gia tăng gánh nặng lao động chưa qua đào tạo cho xã hội. Mỗi năm TP.HCM có hàng trăm ngàn HS sau khi hoàn thành chương trình phổ thông vẫn không đủ sức vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM ThS. Phạm Ngọc Thanh cho biết: Nhiều HS vất vả lắm mới có thể bước vào các trường CĐ-ĐH, nhưng vì năng lực bị giới hạn nên khi ra trường, đa phần các em phải làm trái ngành. Trong khi đó hiện nay, tỉ lệ HS theo học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) chỉ khoảng 8-10%. Điều đó chứng tỏ việc PLHN của chúng ta chưa thật sự hiệu quả.
PV: Theo ông, vì sao PLHN sau THPT hiện nay chưa thật sự đạt hiệu quả như mong muốn của Sở GD-ĐT TP.HCM?
Mỗi năm, TP.HCM có gần 70.000 HS tốt nghiệp THCS, 55.000 HS tốt nghiệp THPT. Tuy vậy, chỉ có khoảng 10% HS vào học tại các trường TCCN. Trong số 77.000 HS, SV đang theo học ở các trường TCCN tại TP.HCM, có khoảng 10.000 HS có hộ khẩu thành phố, còn lại là ở các tỉnh thành khác. Với một địa phương luôn đi đầu trong công tác giáo dục như TP.HCM thì kết quả như vậy vẫn còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân của thực trạng này là do tâm lý xã hội còn trọng bằng cấp, công tác giáo dục PLHN, dạy nghề cho HS trường phổ thông còn hạn chế và chưa được các cấp quản lý quan tâm đúng mức. Xét từ góc độ quy hoạch, mạng lưới các trường lớp ở thành phố chưa được bố trí hợp lý về mặt địa bàn khu dân cư và khu vực phát triển kinh tế. Đa số còn tập trung ở nội thành và không cân đối về số lượng trường trên địa bàn các quận, huyện. Nhiều cơ sở có những mã ngành đào tạo trùng lặp nhau, không trường nào khẳng định được thế mạnh của mình theo các ngành nghề đào tạo. Đặc biệt việc làm cho những người học nghề, TCCN sau tốt nghiệp THCS cũng rất hạn chế. Ngoài ra cũng phải chú ý đến khía cạnh tâm lý không thích học nghề của đại bộ phận thanh niên hiện nay. Ngay cả khi năng lực có hạn, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, nhiều bạn vẫn muốn học ĐH.
Trước thực trạng trên, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đưa ra những giải pháp thiết thực nào?
Nhiều năm nay, Sở GD-ĐT luôn quan tâm đến vấn đề PLHN. Đoàn làm việc của sở thường xuyên xuống từng quận, huyện để nắm bắt tình hình, làm việc với ban ngành, UBND các quận, huyện về công tác PLHN HS. Sở GD-ĐT TP.HCM đã chủ động phối hợp với các quận, huyện như quận 6, 8, 12, Nhà Bè, Bình Chánh, Phú Nhuận, Cần Giờ… Cụ thể như tại quận 8, Phòng GD-ĐT tổ chức phân luồng cho nhiều đối tượng (HS bỏ học, rớt tốt nghiệp THPT…). Theo đó, những HS tốt nghiệp THCS có năng lực học tập từ trung bình khá trở lên, có điều kiện kinh tế thì được định hướng vào các trường phổ thông. Những HS điều kiện kinh tế khó khăn, năng lực học tập từ trung bình trở xuống được định hướng vào học lớp 10 hệ bổ túc, học hệ TCCN. Năm học 2009-2010, trong tổng số 437 HS tốt nghiệp THCS nhưng thi hỏng hoặc bỏ thi lớp 10, Ban chỉ đạo phân luồng quận đã vận động được 425 HS đăng kí vào lớp 10 các hệ ngoài công lập chính quy và TCCN, đạt tỉ lệ 97,2%. Hướng đi này đang có kết quả rất tích cực.
Về mặt tuyên truyền, sở đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo nhằm đưa ra giải pháp, phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền đặc biệt là Báo Giáo Dục TP.HCM. Tuy vậy, việc PLHN HS sau phổ thông nếu một mình Sở GD-ĐT thì không thể triệt để được. Do đó, phải có sự phối hợp chặt chẽ của UBND các quận, huyện.
Nghĩa là để phân luồng được hiệu quả, cần có sự quan tâm của toàn xã hội? Vậy trong thời gian tới, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ đề ra những mục tiêu gì để thực hiện tốt hơn việc PLHN, thưa ông?
Đúng vậy. Phải có sự đồng thuận mới tạo nên sức mạnh. Thực tế cho thấy quận, huyện nào phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, có chương trình, chủ trương, chính sách hợp lý thì công tác PLHN sẽ đạt hiệu quả cao. Còn đối với các quận, huyện chưa thật sự quan tâm, vấn đề PLHN đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.
Đặc biệt trong những năm qua, Báo Giáo Dục TP.HCM với tư cách là cơ quan trực thuộc và là diễn đàn của ngành GD-ĐT TP.HCM đã góp phần tích cực vào công tác PLHN của sở cũng như của Bộ GD-ĐT. Trong thời gian tới, sở sẽ chú trọng hơn đến việc tổ chức những ngày hội việc làm nhằm giúp giới trẻ hiểu rõ nhu cầu lao động trong xã hội, từ đó có những định hướng cụ thể cho con đường nghề nghiệp của mình.
Xin cảm ơn ông!
Văn Mạnh (thực hiện)
Trong công tác PLHN, Sở GD-ĐT TP đặt ra mục tiêu để thực hiện theo từng giai đoạn. Cụ thể mỗi năm TP.HCM có gần 70.000 HS tốt nghiệp THCS và gần 60.000 HS thi tốt nghiệp THPT thì dự kiến về tỉ lệ phân luồng sẽ là: sau THCS có 70% (47.000 HS/năm) tiếp tục học vào các trường THPT và 30% (20.000 HS/năm) vào giáo dục nghề nghiệp. Sau THPT có 40% (22.000 HS/năm) vào CĐ-ĐH và 60% (33.000 HS/năm) vào giáo dục nghề nghiệp và 30% (16.000 HS/năm) vào đào tạo nghề.
 
 
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)